Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Chùa Vĩnh Nghiêm. |
“Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”
Chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) từ xa xưa có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, trong dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức La. Đây là trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta.
Tấm bia 6 mặt được dựng vào năm Hoàng Định thứ 7 (năm 1606) hiện còn ngay tại sân - dấu vết lâu đời nhất của chùa - viết: “Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa đào. Đây là danh lam đứng đầu thiên hạ”.
Được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần, Chùa Vĩnh Nghiêm mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo khi trở thành nơi tu hành của các bậc cao tăng. Đặc biệt, 3 vị tổ của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo để đào tạo tăng đồ và xếp đặt tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước.
Vì vai trò đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô rất lớn. Diện tích cả khu chùa rộng khoảng 10.000 m2. Tòa nhà có niên đại muộn nhất ở chùa là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu thuộc triều Nguyễn.
Với bề dày lịch sử gần 800 năm, chùa Vĩnh Nghiêm có hệ thống di vật rất đa dạng như: Hệ thống tượng thờ với hơn 100 pho tượng; hệ thống hoành phi - câu đối, hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm…
Vị trí đặc biệt của chùa Vĩnh Nghiêm đã được nhân dân ta khẳng định:
Dù cho công đức vô biên
Vĩnh Nghiêm chưa tới, phúc duyên chưa tròn
hay:
Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành
Một trong những di sản văn hóa đặc biệt quý giá của chùa là những bộ ván khắc kinh Phật được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX.
"Mộc thư khố" được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa, có 34 đầu kinh, sách các loại, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Trúc Lâm Tam tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...).
Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8x0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ "Dấu chấn" kích thước 0,25x0,17m là cuốn nhỏ nhất.
Xác thực, độc đáo và ảnh hưởng sâu rộng
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nghe Đại đức trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm giới thiệu bộ mộc bản kinh Phật. Ảnh: VGP/Từ Lương |
Về tính xác thực, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi khắc, in ấn kinh, sách giáo lý thiền phái Trúc Lâm từ thế kỉ XIII được ghi rõ trong chính sử Việt Nam. Bộ mộc bản gồm 3.050 đơn vị ván khắc, trong đó, có 2 bộ kinh phật, và luật sa di giới, luận bàn, giải thích về kinh phật và trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị cao tăng thiền phái Trúc Lâm. Ở các ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối cho biết chính xác thời gian chế tác, người san khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.
Tính độc đáo của bộ mộc bản thể hiện ở nhiều mặt.
Về mặt tôn giáo, Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông- Vị hoàng đế đi tu sáng lập là Phật phái riêng biệt đầu tiên của Việt Nam trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc, vừa phù hợp với đặc trưng của văn hóa Việt Nam vừa khẳng định được bản lĩnh tự chủ trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài.
Không như các phái khác dựa vào thế lực siêu nhiên bên ngoài, Thiền phái Trúc Lâm là phương cách tu hành tự bản thân, sống thuận theo qui luật của tạo hóa, lạc quan trước mọi hoàn cảnh, đưa tư tưởng Phật giáo nhập thế thâm nhập sâu vào dân gian Việt Nam bao đời nay và ngày nay tiếp tục phát triển, phổ biến rộng rãi ở nước ngoài.
Trên góc độ ngôn ngữ, nhiều mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Nôm, là loại văn tự của riêng Việt Nam ra đời từ thế kỷ XI. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm cũng như các trí thức đương thời.
Họ sử dụng chữ Nôm để viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần (tiện cho việc phổ biến giáo lí nhà Phật vào dân gian). Những lời thuyết pháp được viết bằng chữ Nôm là những tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ hoặc là những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt.
![]() |
Trang bìa Mộc bản kinh Phật. Ảnh: VGP/Đức Thụ |
Về giá trị về y học, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn là sự đúc kết kinh nghiệm dân gian, khảo nghiệm, tinh túy về y dược thời bấy giờ. Mộc bản là để truyền bá, phổ biến kinh nghiệm, vừa thể hiện lòng nhân ái của đạo Phật, qua đó nâng cao vị thế của nhà sư (theo trường phái Trúc Lâm) trong xã hội đương thời, là một biện pháp hoằng dương Phật pháp (hỗ trợ dân, làm dân quý, khiến dân tin theo).
Xét về mỹ học, bộ mộc bản được khắc công phu, cầu kỳ. Người thợ khắc gỗ Việt Nam phải là người đa năng: giỏi chữ Hán, chữ Nôm; có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh tường và bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng với trình độ thẩm mỹ rất cao mới tạo ra được các mộc bản này.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau như chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư…, chữ khắc đẹp xứng đáng là những tác phẩm thư pháp.
Ngoài mộc bản kinh, sách, luật chùa Vĩnh Nghiêm còn có một số mộc bản in sớ điệp là loại văn bản chỉ có trong Phật phái Trúc Lâm, các tông phái khác không có loại văn bản này.
Về vị trí, vai trò trong khu vực, kinh, sách được in ra từ kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là tư liệu của Thiền phái Trúc Lâm. Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhuần sâu sắc và ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, tại Việt Nam có hàng nghìn ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Trên thế giới, thiền viện mang đặc trưng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm cũng phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử ở các nước sở tại. Phật tử và nhà tu hành không chỉ là người Việt ở hải ngoại mà còn thu hút đông đảo tăng, ni, Phật tử là người các nước sở tại.
Thơ nôm của các vị cao tăng Phật phái Trúc Lâm đã ảnh hưởng sâu sắc đến thời kỳ sau này. Nhiều người nước ngoài đã học tập chữ Nôm để nghiên cứu, khai thác kho tàng thơ văn chữ Nôm thời trung đại Việt Nam để giới thiệu rộng rãi văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Những tác phẩm văn học của các Thiền sư Việt Nam thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Việt Nam nói chung mang đậm tư tưởng hướng thiện của đạo Phật đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Thiền tông thế giới, mà những tác phẩm còn tồn tại trên ván khắc chùa Vĩnh Nghiêm là những đóng góp đáng trân trọng...
Theo các chuyên gia, sau khi bộ mộc bản trở thành di sản thế giới, công tác quản lý, bảo quản, gìn giữ cần được đặt lên hàng đầu, đồng thời có biện pháp phát huy tối đa giá trị to lớn của công trình văn hóa này cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thu Hà
(tổng hợp)