Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là ý kiến của ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại "Diễn đàn Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc" do Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức ngày 9/12, tại Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 trở thành đô thị loại 1, hạt nhân trong vùng kinh tế phía Bắc Việt Nam.
Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẵn sàng về mặt bằng sạch, điện, nước, viễn thông, nguồn nhân lực và sẵn sàng cung cấp thủ tục hành chính nhanh gọn và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Vĩnh Phúc không chỉ tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên cả 3 phương diện (kinh tế, xã hội, môi trường) mà còn rất cần sự nghiên cứu, tìm tòi để xây dựng mô hình KCN phù hợp với địa phương.
TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch Liên chi Hội Tài chính HCN Việt Nam (VIPFA), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: Dự báo về sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các KCN. Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát các KCN để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn đàng đón sóng đầu tư nước ngoài mới. Đây là cơ hội lớn của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế phức tạp.
Các Việt Nam cần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ giảm thiểu các thủ tục hành chính trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện, đơn giản hóa thủ tục... nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn...
Với chủ trương, định hướng quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đã tiến hành quy hoạch đồng bộ từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đến quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu, trong đó, quy hoạch, phát triển các KCN.
Theo TS Phan Hữu Thắng, chủ trương ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...
Theo TS Phan Hữu Thắng: Để đạt được mục tiêu này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, các địa phương (bao gồm cả Vĩnh Phúc), các tổ chức xã hội (bao gồm cả VIPFA) phải có các chương trình hành động cụ thể để góp phần phát triển bền vững hiệu quả kinh tế- xã hội đất nước, nhất là đối với hệ thống các KCN Việt Nam hiện nay.
Trước đòi hỏi cấp bách của việc cần thực hiện đầu tư phát triển xanh trong giai đoạn tới, nhất là đối với các KCN hiện có và cấp mới, Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40-50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới để từng bước lập kế hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.
Để làm được điều này thì tiềm lực tài chính và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng, xúc tiến đầu tư phải thực chất, hiệu quả hơn. Với tiềm năng Vĩnh Phúc sẵn có, VIPFA đã quyết định chọn địa bàn Vĩnh Phúc để thực hiện sứ mệnh phục vụ các thành viên hội viên của mình nói riêng và của xã hội nói chung.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoại (Bộ KH&ĐT) cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Bên cạnh thuận lợi, Vĩnh Phúc cũng đối mặt với một số khó khăn như: Vẫn còn phụ thuộc vào một số ngành công nghiệp nhất định, phụ thuộc vào một số đối tác lớn. Chất lượng nguồn nhân lực, thiếu lao động tay nghề đáp ứng với ngành công nghệ cao...
"Cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết tạo thành các cụm công nghiệp hỗ trợ theo từng lĩnh vực; phát triển liên kết vùng và ngành, kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để hình thành chuỗi giá trị vùng; triển khai các biện pháp kiểm soát môi trường chặt chẽ...", ông Vũ Văn Chung nói.
Dưới góc độ ngân hàng, đại diện của BIDV chia sẻ: tiên phong trong lĩnh vực tín dụng xanh, BIDV đã có gói tín dụng 4.200 tỷ đồng với các dự án đầu tư mới, cải tạo nâng cấp công trình, nhà xưởng, máy móc thiết bị hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.các phương án kinh doanh thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đáp ứng các tiêu chí xanh của các thị trường (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...). BIDV cũng có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng, đầu tư cải tạo hoặc sửa chữa các công trình xử lý nước sạch; công trình tái sử dụng nước thải sinh hoạt đã qua xử lý...
Đại diện BIDV kiến nghị cần ban hành quy định hướng dẫn về định nghĩa, tiêu chí và tiêu chuẩn tài chính xanh, đặc biệt trong lĩnh vực KCN; ban hành hướng dẫn về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư và năng lượng tái tạo, xử lý chất thải...
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc đang chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, trong đó, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khi muốn mở rộng các dự án đầu tư ở đây, các doanh nghiệp này đang đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng... "Nếu chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực, hạ tầng, giảm các thủ tục, phục vụ cho thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, sản xuất bán dẫn, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Vĩnh Phúc", ông Hong Sun nói.
Bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội DN Đài Việt cho biết, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, nhiều tập đoàn lớn của Đài Loan, đặc biệt trong ngành điện tử, đang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đặc điểm các DN điện tử là khi có DN lớn đầu tư, sẽ có chuỗi các DN cung ứng phụ trợ đi theo. Trong 3 năm qua, nhiều tập đoàn Đài Loan đã khảo sát và đầu tư vào Việt Nam.
"Nếu như trước đây, các DN còn e ngại về năng lực thu hút đầu tư lĩnh vực điện tử bán dẫn ở Việt Nam, thì trong khoảng 2 năm gần đây với quyết tâm của Chính phủ cùng chủ trương chính sách hỗ trợ khuyến khích, các tập đoàn Đài Loan đã bắt đầu xem xét đầu tư vào các lĩnh vực như bán dẫn, thiết kế chip và nghiên cứu công nghệ tại Việt Nam. Trong đó, Vĩnh Phúc được đánh giá là một địa điểm có tiềm năng lớn, đặc biệt khi đã thu hút các tập đoàn lớn như Compal và các doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng", bà Ngô Phẩm Trân nói.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội DN Đài Việt, các doanh nghiệp Đài Loan đang hướng tới phát triển năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió, cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả, giúp tiết kiệm 20% điện năng...
"Các doanh nghiệp điện tử quốc tế hiện nay yêu cầu các chứng chỉ xanh được công nhận toàn cầu để đáp ứng yêu cầu của khách hàng tại Mỹ và châu Âu, hy vọng Vĩnh Phúc sẽ là điểm dừng chân của các DN này", bà Ngô Phẩm Trân kỳ vọng.
Huy Thắng