Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một tiết mục được thể hiện xuất sắc tại Vinschool's Got Talent
Vinschool's Got Talent là một trong các hoạt động ngoại khóa được trường Vinschool tổ chức thường niên từ 2016 đến nay ở nhiều trường tiểu học và trung học Vinschool trên toàn hệ thống. Cuộc thi năm nay được tổ chức tại Trường Tiểu học Vinschool Times City T36 với gần 300 tiết mục đăng ký dự thi vòng sơ loại.
Hội đồng Ban Giám khảo là những nghệ sĩ nổi tiếng, những giảng viên uy tín và có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực nghệ thuật, như: Nhạc sĩ Ca sĩ Giáng Son, nghệ sĩ Đặng Châu Anh, ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam, ca sĩ Tuấn Hưng, giảng viên piano Phương Thảo (Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương), giảng viên múa Quỳnh Phương (Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương), biên đạo Justin Nguyễn…
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, 20 tiết mục xuất sắc nhất đã tỏa sáng tại chung kết ở nhiều lĩnh vực, như: Âm nhạc, mĩ thuật, nhảy múa đến ảo thuật, thuyết trình… Các tiết mục dự thi đều mang đến sự ấn tượng bởi sự uyển chuyển trong điệu múa, khéo léo trong diễn xuất, ngọt ngào trong lời dẫn, thể hiện đam mê, nhiệt huyết và đột phá trong phong cách nghệ thuật cũng như kỹ năng trình diễn.
Không chỉ dừng lại ở việc hưởng ứng một sân chơi học đường, các thí sinh tại Vinschool còn chú trọng đầu tư cả về trang phục, đạo cụ cho đến bối cảnh trình diễn, mang đến cho khán giả và Hội đồng Ban Giám khảo những tiết mục mãn nhãn.
Với tư cách là giám khảo cuộc thi, nhạc sĩ Giáng Son cho rằng, việc các trường tổ chức được các cuộc thi như vậy là rất bổ ích, rất tốt cho các em học sinh, bởi ngoài việc học văn hóa thì các em cũng được học các môn năng khiếu. Nhưng nếu cứ học mãi mà chúng ta không tổ chức các cuộc thi để các em thể hiện mình, khẳng định mình thì sẽ khiến các em mất đi động lực, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện mình.
"Tôi thấy những cuộc thi Got Talent của Vinschool tổ chức rất tốt cho các em học sinh vì các em được thể hiện tài năng của mình ngay từ nhỏ. Nhiều em mới lớp 1, lớp 2, lớp 3, nhưng đã được học múa, nhảy, học piano, nhạc cụ… rất chuyên nghiệp; nhiều bé thể hiện rất có năng khiếu. Đấy chính là những mầm non tương lai của các trường nhạc, trường nghệ thuật chuyên nghiệp", nhạc sĩ Giáng Son nói.
Cũng theo nhạc sĩ Giáng Son, kể cả khi các em học sinh không vào môi trường chuyên nghiệp, không theo nghệ thuật chuyên nghiệp thì những hành trang về nghệ thuật này, sẽ làm cho các em có đời sống, giá trị tinh thần rất phong phú. Và các cuộc thi như thế này sẽ hướng các em học sinh đến sự sáng tạo, khuyến khích động viên các em thể hiện được tài năng của mình.
"Hiện nay đời sống ngày càng cao, các em càng có điều kiện được học đàn, nhạc, nhảy múa… tất cả các môn này đều tốt cho các em từ 5 tuổi trở lên. Những hoạt động này làm cho các em cảm thấy khám phá được bản thân mình hơn và từ đó định hướng được nghề nghiệp cho mình ngay từ nhỏ", nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ thêm.
Đại diện Ban Tổ chức cho biết, mỗi năm, chương trình sẽ được tổ chức theo một chủ đề và quy mô khác nhau nhưng đều chung một tinh thần là đề cao năng lực, sự sáng tạo và đổi mới cho học sinh. Vinschool mong muốn đây sẽ là một sân chơi giúp các em tỏa sáng, định vị và phát triển năng khiếu riêng biệt, không chỉ là tri thức khoa học và ngoại ngữ.
Để có thể gây "bùng nổ" tại vòng loại với những tiết mục dự thi đặc sắc và ấn tượng, không chỉ có sự chuyên nghiệp và tài năng của thí sinh, Vinschool's Got Talent còn nhận được sự quan tâm và hướng dẫn từ các giáo viên, cũng như các bậc phụ huynh.
Nhiều tiết mục còn được sự đầu tư của các thầy cô giáo và ba mẹ lên diễn cùng để các con tự tin hơn.
Nhờ sân chơi này, nhà trường và phụ huynh có dịp nhìn lại sự phát triển vượt bậc của các em, nhất là về kỹ năng và sự tự tin, mạnh dạn trước những hoạt động tập thể, cộng đồng.
Những khoảnh khắc tỏa sáng tại Vinschool's Got Talent đã tạo nên động lực lớn để học sinh trở nên mạnh dạn và tự tin hơn. Nhờ đó, các em luôn đủ bản lĩnh để đương đầu với nhiều thử thách trong cuộc sống, không ngừng nỗ lực rèn luyện, trau dồi kiến thức và xây dựng cho mình phong cách riêng.
Sau các phần thi sôi động, Ban Tổ chức đã trao giải cho 3 hạng mục. Trong đó, bảng thanh nhạc gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba; bảng nhạc cụ gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba; bảng nhảy múa gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba. Cụ thể:
Bảng thanh nhạc:
Giải nhất: Hợp xướng lớp 3B01 “Believer”.
Giải nhì: Đặng Trâm Anh - When you believe; tập thể 5A07 - hợp xướng Adiemus.
Giải ba: Hợp xướng “Some things just like this”; Nguyễn Hà My 3B08 - For the first time tin forever.
Bảng nhảy múa:
Giải nhất: Nhóm Little Stars lớp 3B05 - Mashup Cô gái mở đường, Cúc ơi em ở nơi mô.
Giải nhì: Lớp 5B01 - nhảy Đông Sơn vũ; lớp 2B02 - nhảy Boom boom pow.
Giải ba: Lớp 1B02; lớp 2B08 - nhảy hiện đại.
Bảng nhạc cụ:
Giải nhất: Nguyễn Trí Đức lớp 3A06 - piano Sonatine
Giải nhì: Phạm Hồng Quang Piano - Ballad Pour Adelire
Giải ba: Nguyễn Lê Nhật Anh, lớp 2B06 - trống điện tử “In the end”
Liên Ngọc