Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cả nước có 24 tổ chức Hội, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh, thành phố và trên 60 chi hội. Hiện trên cả nước có trên 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái, lò võ đang hoạt động, thu hút khoảng 60 ngàn võ sinh tham gia tập luyện. Trên trường quốc tế, võ cổ truyền Việt Nam đã có mặt ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 30/5, tại TP.HCM, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Đề án bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền VN đến năm 20120.
Võ cổ truyền Việt Nam là một trong những bộ môn võ quan trọng trong gìn giữ bản sắc văn hóa, tinh hoa võ học, khơi dậy tinh thần thượng võ, lòng tự hào dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ.
Đây là phương pháp tốt để đạt được mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, nâng cao thể chất, sức khỏe của mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua truyền bá võ cổ truyền sẽ giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa, tinh hoa võ thuật truyền thống của dân tộc Việt, thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đề án bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền sẽ chia làm 2 giai đoạn cụ thể.
Theo đó, giai đoạn 1 từ 2013 - 2016 với mục tiêu khảo sát, sưu tầm, bảo tồn các võ miếu, các hiện vật về võ cổ truyền. Tiếp đến, xây dựng kế hoạch trùng tu, duy tu, sửa chữa 1 võ miếu và 3 - 5 lò võ với 30 Hội, Liên đoàn võ cổ truyền cấp tỉnh, thành. Đồng thời, đào tạo các huấn luyện viên, hướng dẫn viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy truyền bá võ cổ truyền trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2 từ 2017 – 2020 sẽ hướng đến 100% tỉnh, thành trong cả nước có người tập luyện võ cổ truyền. Xây dựng kế hoạch trùng tu, duy tu, sửa chữa 3 - 5 lò võ, phát triển 40 Hội, Liên đoàn võ cổ truyền cấp tỉnh, thành. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng đến có 20 Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam tại các nước trên thế giới và có 35 nước trên thế giới có người tập luyện thường xuyên võ cổ truyền. Xây dựng hệ thống thi đấu giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á, châu Âu,...
Đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Đề án, Tiến sĩ Nguyễn Thành Ngọc, Trưởng bộ môn Võ thuật trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM cho rằng, đề án cần có lộ trình phát triển cụ thể để đưa môn võ cổ truyền vào giảng dạy tại các trường học. Nên tổ chức nhiều hơn nữa các giải thi đấu trong học sinh, sinh viên để tạo nền tảng phát triển môn võ này ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Cũng chung quan điểm phát triển rộng rãi võ cổ truyền ra các tầng lớp trong xã hội, ông Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục TDTT cho rằng để có các giải pháp tốt cho võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới thì nên đưa môn võ này vào trong hệ thống Trung ương Đoàn thanh niên để cùng 3 ngành Quân đội, Công an, Giáo dục – Đào tạo truyền bá, giáo dục tới mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn bản, tài liệu khoa học về môn võ này cho phù hợp với từng đối tượng để tập luyện và bảo tồn, phát triển lâu dài.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng Ban biên soạn Đề án cho biết để Đề án thực sự phát huy được hiệu quả thì rất cần sự chung tay, góp sức của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, ác nhà chuyên môn và có sự chỉ đạo thống nhất các nội dung và giải pháp từ trung ương đến các tỉnh, thành, ngành.
Nguyễn Việt