Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhà thơ Hoàng Trung Thông Ảnh: Tư liệu |
Hoàng Trung Thông rất quan tâm đến những chuyển biến của nền thi ca nước nhà. Ông viết "Chặng đường mới của văn học chúng ta", "Những ngày thu ở Liên Xô", "Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống". Cùng với sáng tác, ông theo dõi từng bước cuộn sóng của 10 năm thơ ở miền Nam trước ngày giải phóng với những tên tuổi: Thanh Giang, Viễn Phương, Thu Bồn, Thanh Hải, Chim Trắng, Hưởng Triều, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao... Ông theo dõi dòng thơ trẻ trên miền Bắc với Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Lý Phương Liên, Việt Phương, Nguyễn Hồng Kiên, Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ... Trong những ngày đổi mới, ông nhìn nhận rất đúng hướng đi cho thơ mai sau: "Một nền thơ mới bao giờ cũng đòi hỏi một cách diễn tả mới... trước tiên phải mang tâm hồn thời đại, phải chứa đựng những tư tưởng tình cảm lớn của thời đại". (Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống, 1979).
Là nghệ sĩ, Hoàng Trung Thông không khiên cưỡng, xơ cứng, lên gân, che đậy, gò bó. Với ông, người cộng sản - Người thơ là một. Nhiều giai thoại làm ta càng quý mến nhà thơ. Thời Mỹ đánh Hà Nội, một đêm say thơ say rượu, ông rơi xuống hố tránh máy bay, các cô dân quân trực chiến phải dìu lên, hỏi ra biết nhà thơ Hoàng Trung Thông, các cô cười vui vẻ dẫn về cơ quan. Nhà thơ Chế Lan Viên đã có "thơ gửi Trạng Tửu họ Hoàng" khuyên ông cai rượu. Nhưng rượu với thơ ở Hoàng Trung Thông là duyên nợ, không cai được. Lên chợ vùng cao Lao Chải, ngồi dưới gốc sa mu, rượu uống từng bát với dân La Hủ. Vào Tiền Giang gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng ông thanh minh: "Anh đừng nói là tôi thích rượu/Chén rượu tôi uống này/...Là nước Tiền Giang mát tận đáy lòng".
Một lần nhà thơ về thăm Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, trong bữa cơm chào đón, cán bộ cùng đi bảo tôi đừng tiếp rượu nữa. Nhưng ông quèo chân tôi, ra ý cứ rót thêm!
Hoàng Trung Thông luôn nặng lòng với quê hương xứ Nghệ. Ông viết: "Ôi từ thuở ra đi và lúc trở về /Ta chẳng bao giờ xa quê" (Về làng). Làng ông là làng Quỳnh Đôi: "Thượng Cống Đá hạ bờ tre đói nghèo xơ xác". Làng của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, làng của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ. Nhớ làng 600 năm "Tùng Lĩnh thông xanh, Mai Giang nước mát... Những phiên chợ làng vàng tơ lụa... các cô gái bước đi như múa... Những Hói Nồi, Đập Bản, lúa ngút ngàn xuống tận sông Mơ...". Những "năm bom Mỹ giội quê hương/ Trận tuyến ta giăng khắp ruộng vườn/... Nghe bên kia Quỳnh Lập, Quỳnh Phương/ Sóng biển gầm lên tiếng xé lòng/... Tôi một người lính trẻ/ Về đây chống Mỹ với quê mình". Vậy mà quê hương, "Tắm mình trong biển xanh xanh ngắt/ Mà thương tôi chưa hiểu hết quê mình/... Dù đã đi mòn chân mà chẳng hiểu/ Hòn Chu, Mũi Rồng, Mũi Gươm"... (Cửa Lò). Quê hương trong ông là nỗi day dứt suốt đời. Quê hương là máu thịt, cho nên "Công tác phải xa quê/ Mỗi tết bà con lại nhắn về". Cũng như nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà thơ Hoàng Trung Thông cuối đời muốn viết một tác phẩm gì để trả nợ nơi mình sinh ra. Dẫu biết "Bàn tay ta làm nên tất cả"... Nhưng hai ông đã mang món nợ ra đi khi tuổi đời chưa sang thất thập. Thật tiếc thương vô hạn!
Cảnh Nguyên
Theo nguồn Báo Nghệ An (22/4/2011)