Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký Báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 gửi Quốc hội.
Theo đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Song, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch COVID-19;
Tổ chức các đợt cao điểm ra quân đấu tranh, trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng gây án... Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Đã điều tra, khám phá 35.438 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao;
Đã triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" tạo được chuyển biến tích cực;
Bắt và vận động đầu thú, thanh loại 5.829 đối tượng truy nã, trong đó có 1.354 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...
Toàn quốc xảy ra 40.761 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 6,69%). Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ.
Hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Cụ thể, số vụ phạm tội có tổ chức giảm 29,07%; hiếp dâm giảm 10,85%, xâm hại trẻ em giảm 23,63%; tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép giảm 19,88%; cướp tài sản giảm 8,6%; cưỡng đoạt tài sản giảm 6,91%; cướp giật tài sản giảm 2,12%; trộm cắp tài sản giảm 12,14%; chứa mại dâm giảm 20,8%; số vụ đánh bạc giảm 16,51%, trong đó đánh bạc trên mạng giảm 10,86%...
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
"Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm", nội dung trong báo cáo nêu rõ.
Đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 36,68%), 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 40,97%).
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp.
Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, như vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; Vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; Vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA.
Hay trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điển hình là vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ của hơn 6.000 nhà đầu tư.
Sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng "quân xanh, quân đỏ" để thao túng giá trúng thầu, mua bán "lòng vòng" để nâng giá nhiều lần.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC.
Theo đó, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố 5 đối tượng chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỷ đồng;
Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn.
Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng.
Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố 5 bị can về tội "vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản" trong đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng...
Báo cáo nêu rõ, tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Điển hình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Công ty Đúc số 1 và các đơn vị liên quan, thiệt hại ước tính trên 90 tỷ đồng.
Công an TP Hà Nội khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Phù Linh, Sóc Sơn; khởi tố nguyên cán bộ UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Trâu Quỳ lợi dụng quyền hạn cho chuyển mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 20 tỷ đồng.
Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố Tổng Giám đốc Công ty Trường Huy về hành vi lập 14 công ty vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt 155 tỷ đồng.
Công an TP Hà Nội khởi tố cán bộ Agribank chi nhánh Hồng Hà nâng khống trị giá tài sản đảm bảo gây thiệt hại 29 tỷ đồng.
Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố cán bộ BIDV chi nhánh Quảng Ninh lập khống 9 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt gần 33 tỷ đồng...
Tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ; tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vaccine, xét nghiệm COVID-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi...
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh (tăng 143,98% về số vụ) và tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn.
Nổi lên là, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng liên kết chặt chẽ tại nhiều địa phương; biến tướng dưới nhiều hình thức mới.
Điển hình, Công an tỉnh Thái Bình phát hiện, đấu tranh triệt phá 2 đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên mạng Internet với số tiền đánh bạc lớn từ 6.600 đến 8.400 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế 15 đối tượng đánh bạc qua mạng Internet với số tiền giao dịch 250 tỷ đồng.
Tại Nghệ An, 7 đối tượng đánh bạc qua mạng Internet với số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Công an TP. Hà Nội triệt phá đường dây tổ chức cá độ bóng đá, đánh bạc trên Internet với số tiền giao dịch lên đến 1.500 tỷ đồng.
Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm..., mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.
Đáng chú ý, xuất hiện một số nhóm tội phạm nước ngoài tấn công, xâm nhập hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để thu thập, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản của khách hàng...
Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19; phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ (chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia), đường hàng không, chuyển phát nhanh (từ một số nước châu Âu).
Điển hình, vụ phát hiện, triệt phá đường dây mua bán ma túy qua đường hàng không từ Anh đưa về Việt Nam, bắt quả tang 1 đối tượng, thu giữ 1 kg và 500 viên ma túy tổng hợp tại Nghệ An; vụ bắt 2 đối tượng chuyển 48kg ma túy chuyển phát quốc tế từ CH Czech về Việt Nam tại Hà Nội; vụ bắt 4 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy từ CHLB Đức về Việt Nam thu giữ 17kg và 500 viên ma túy tổng hợp; vụ bắt 4 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy từ Hà Lan về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, thu giữ hơn 50kg và 1.000 viên ma túy tổng hợp..., xuất hiện nhiều chất ma túy mới.
Tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm, nhà chung cư... để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tình trạng trồng cây cần sa trái phép còn xảy ra tại một số địa phương...