Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Đền Voi Phục (nằm trong Công viên Thủ Lệ ) 1 trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long. |
Thăng Long tứ trấn bảo vệ kinh thành
Thành Thăng Long thời Lý, bên cạnh những rào chắn thiên nhiên như sông Hồng chặn đường tiến vào của các cánh quân xâm lược phương Bắc, hướng Đông lại được dựa lưng vào 3 đỉnh núi cao của dãy núi Tản Viên đứng sừng sững cao vót phía Tây.
Cái thế đất rồng cuộn hổ ngồi lại có những nơi địa linh một thời được coi là những lực lượng siêu nhiên bảo vệ cho kinh thành, cho mọi người dân trong xứ. Đó là 4 ngôi đền thờ những vị thần thiêng trấn trị 4 phương được gọi là “Thăng Long tứ trấn”
Quán Trấn Võ (ngày nay còn gọi là Đền Quán Thánh) thờ Đức thánh Huyền Thiên Trấn Võ, đứng trấn trị phương Bắc, nơi những kẻ ngoại bang thường từ phương ấy thường kéo sang xâm lược nước ta. Bức tượng Đức Thánh Võ ở tư thế ngồi oai phong lẫm liệt nơi hậu cung là bức tượng đồng cao to nặng nhất nước (khoảng 4 tấn).
Đền Bạch Mã nay ở 76 phố Hàng Buồm thờ Thần Bạch Mã (còn gọi là Thần Long Đỗ) được coi là vị thần trấn trị phương Đông, cũng là vị thần thành hoàng bảo hộ cho cả kinh thành Thăng Long. Theo truyền thuyết, khi vua Lý Thái Tổ bắt đầu xây dựng kinh đô Thăng Long, Thần đã cưỡi ngựa trắng vạch đường đi cho nhà vua để thiết kế 4 cạnh của kinh thành thành một hình tứ giác vuông vức. Vua cho lập đền thờ để ghi ơn chỉ dẫn của Thần. Từ đấy, đền được gọi là đền Bạch Mã (ngựa trắng).
Đền Cao Sơn thờ Thần Cao Sơn cùng với Quý Minh đã có công dẹp giặc ngoại xâm và phòng chống lũ lụt cùng với Sơn Tinh. Thần Cao Sơn được thờ làm thần trấn trị phương Nam. Ngày nay đền còn được gọi là đền Kim Liên tọa lạc ở đường Kim Liên (quận Đống Đa). Qua nhiều đời đã được nhiều lần trùng tu. Đến năm 2009, ngôi đền này được tôn tạo để đón ngày đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
Đền Linh Lang ngày nay còn gọi là đền Voi Phục, tọa lạc trong khuôn viên của Công viên Thủ Lệ, gần Cầu Giấy. Đền thờ Linh Lang Đại Vương, trấn trị phương Tây của thành Thăng Long.
Linh Lang Đại vương chính là Hoàng tử Hoằng Chân đã giúp vua cha kháng chiến chống quân Tống xâm lược và hy sinh anh dũng trong trận chiến bên bờ sông Như Nguyệt. Tên Voi Phục lấy từ sự tích con voi thường phục xuống cho Hoàng tử trèo lên cưỡi những khi ra trận. Ngày nay ở hai bên cửa đền còn có tượng đôi voi quỳ. Đền Voi phục được xây lần đầu vào năm 1065 thời vua Lý Thánh Tông.
Bốn ngôi đền còn di tích đến ngày nay vẫn ở những tọa độ xưa như những tháp canh linh thiêng bảo vệ cho Hà Nội ở đủ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, thể hiện một tầm nhìn xa quy hoạch đã có từ nghìn năm trước.
Từ thời Lý, ở Thăng Long còn có một nghi lễ quan trọng diễn ra hàng năm ở đền Đông Cổ. Đền được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1028 trên đất phường Yên Thái (nay thuộc khối An Đông, phường Bưởi, quận Tây Hồ).
Việc nhà vua cho xây dựng đền Đồng Cổ xuất phát từ một lý do chính trị. Nguyên là sau khi Hoàng đế Lý Thái Tổ (Công Uẩn) qua đời, ba vương (Đông Chính, Dực Thánh, Vũ Đức) tranh giành ngôi với Thái tử Phật Mã, sự kiện mà sử sách gọi là “Loạn Tam vương”. Sau khi dẹp được loạn, lên ngôi, Lý Thái Tông (Thái tử Phật Mã) lập tức sai dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ, đắp đàn rộng để cùng văn võ bá quan mỗi năm một lần đến làm lễ xuân tế và mở hội thề. Cờ cắm rợp trời, đội ngũ tề chỉnh, trước giáo gươm sáng chói uy nghi, vua quan cùng hoàng tộc đứng trước thần vị, cùng nhau đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Từ đấy, hàng năm lấy thế làm thông lệ, hội thề diễn ra vào ngày 4 /4 âm lịch.
Việc lập đền Đồng Cổ và tổ chức Hội thề là nhằm khẳng định sự trung thành đối với quốc gia, xã tắc, bảo đảm cho sự ổn định lâu dài của đất nước.
Chấn hưng kinh tế, mở mang giáo dục
Sau khi định đô ở Thăng Long, nhà vua bắt tay ngay vào một chương trình khuyến nông rộng lớn: đắp đê cơ xá để bảo vệ mùa màng, đầo sông Thiên Đức (sông Đuống) để dẫn nước sông Hồng thoát lũ sang sông Cầu vừa tránh cho Thăng Long cái họa lụt lội, lại vừa có thêm một con sông làm phòng tuyến bảo vệ kinh thành từ phía Bắc Ninh. Chính con sông Thiên Đức đã thành một phòng tuyến bảo vệ cho Thăng Long và là nơi Thái úy Lý Thường Kiệt đã dựng thành phòng tuyến phá tan quân Tống ngay trước khi chúng vào tiếp cận được với Thăng Long.
|
Nhà Thái học (trong Văn Miếu -Quốc Tử Giám)- nơi học tập của các hoàng tử con cái quan lại và các hiễn tài trong nhân dân thời Lý. |
Khu vực dọc theo sông Hồng và xung quanh hồ Tây có nhiều đất bãi rất thích hợp cho việc trồng dâu. Nhà vua rất chú ý đến việc phát triển nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Một trại tầm tang đã được mở ở cạnh Hồ Tây. Chính con gái nhà vua, công chúa Từ Hoa đã xin vua cha cho được đến trại cùng với nhiều cung nữ làm nghề chăn tằm, dệt lụa. Trại tầm tang đến đời Trần đổi tên là phường Tích Ma, đời Lê đổi là phường Nghi Tàm và mang tên ấy cho đến ngày nay.
Sau khi Công chúa Từ Hoa mất, nhân dân đã dựng một ngôi chùa trên nền cung Từ Hoa, là tiền thân của chùa Kim Liên trên bán đảo hồ Tây hiện nay.
Để nâng cao vị trí của ngành dệt lụa nước mình, vua Lý Thái Tông đã có một quyết định quan trọng. Tháng 2 năm Canh Thìn (1040) nhà vua xuống chiếu phát hết gầm vóc nhập nhập từ Trung Quốc đang dự trữ trong khi để ban cho các quan, đồng thời phát triển nghề dạy cho cung nữ tự dệt lấy gấm vóc. Các quan từ ngũ phẩm trở lên được ban áo bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên được ban áo bằng vóc. Mục đích của nhà vua là từ đây sẽ không dùng hàng dệt Trung Quốc nữa.
Về sự kiện này, nhà sử học Ngô Sĩ Liên thế kỷ 15 đã có lời bàn: “Việc làm này của vua trong cái tốt lại có cái tốt nữa. Vua không quý vật lạ, tỏ ra giữ đức kiệm ước. Vua ban cho bề tôi, tỏ ra hậu đãi kẻ dưới”. Một khái niệm mà nhà sử học Ngô Sỹ Liên còn chưa thể diễn đạt từ năm 600 năm trước: Đó là ý thức dân tộc, quyết phát triển hàng nội hóa đã manh nha trong tư tưởng kinh tế của vua Lý thời xưa.
Bắt đầu đi từ phát triển sản xuất hàng trong nước, có hàng nhiều mới phát triển được việc buôn bán với nước ngoài để có lợi cho đất nước, nhân dân. Chính nhờ phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp làm đồ tơ lụa, gốm sứ mỹ nghệ mà quan hệ ngoại thương dưới triều Lý và triều Trần sau này mới đạt được những thành tựu đã được sử sách ghi chép: Trong số các lái buôn nước ngoài từ cảng Vân Đồn vào Thăng Long, ngoài người Hoa còn có cả người nước Trảo Oa (phiên âm tên đảo Gia Va thuộc Indonesia ngày nay) từng vào Thăng Long mua hàng hóa Việt từ tháng 9 năm Bính Ngọ (1066).
Trên cơ sở của một nền kinh tế được chấn hưng, đời sống văn hóa và nền giáo dục quốc dân mới có cở sở phát triển.
Tháng 8 năm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu. Hoàng Thái tử được đưa đến học tại đây là Thái tử Càn Đức- tức vua Lý Nhân Tông sau này. Tháng 2 năm Ất Mão (1075) dưới thời Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi tuyển Minh Kinh Bác học. Người đỗ đầu khao thi này là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh.
Năm Bính Thìn (1076), nhà vua lại cho mở Quốc Tử Giám nhận những học sinh ưu tú trong nhân dân các miền. Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên, trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước có từ năm ấy, mở đầu cho truyền thống văn hiến ở đất Thăng Long.
Trần Thái Bình
(Nhà nghiên cứu lịch sử)