Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một bệnh nhân nhi chảy máu không cầm được đang được điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương |
Chất này có khả năng lây qua da và đường ăn uống. Tuy nhiên, việc người dân Bắc Giang nhiễm chất wafarin từ nguồn nào thì hiện vẫn chưa thể xác định được.
Đây là kết quả làm việc ngày 11/12 của đoàn công tác Bộ Y tế, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai tại Bắc Giang.
“Chúng tôi nghĩ nguy cơ cao nhất là từ nguồn nước uống. Thực tế ở khu vực Tân Yên, Bắc Giang, nơi có 9 bệnh nhân, một số gia đình có sử dụng bả chuột. Rất nhiều loại thuốc chuột trên thị trường có thành phần wafarin. Vì thế, không loại trừ khả năng chuột chết do ăn phải bả gây nhiễm độc nguồn nước. Chúng tôi đang chờ tiếp kết quả xét nghiệm mẫu nước, đất”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) cho biết.
Thạc sĩ Mai khuyến cáo, để không có người nhiễm mới thì cần loại trừ được tác nhân gây bệnh. Khi chưa xác định được thì người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng bệnh; đồng thời sử dụng các loại thuốc diệt chuột đúng cách. Những người đã mắc bệnh thì cần tuân thủ điều trị để ngăn ngừa biến chứng.
Trong buổi làm việc, đoàn công tác đã lấy mẫu nước và tìm hiểu thêm thông tin về các gia đình có người nhiễm bệnh. Đồng thời, tập huấn cho các cán bộ y tế địa phương ở Bắc Giang về cách xử lý khi có trường hợp bị mắc mới rối loạn đông máu và tuyên truyền cho bà con về cách phòng tránh căn bệnh này.
Trong ngày 11/12, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện thêm 1 bệnh nhân mắc chứng rối loạn khả năng đông máu, nâng tổng số người bị nhiễm trên địa bàn lên 10 người. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã đưa ra phác đồ điều trị chuẩn đó là sử dụng huyết tương tươi đông lạnh và bổ sung vitamin K để điều trị cho các bệnh nhân này.
Từ tháng 11/2012 đến nay Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tiếp nhận khoảng 20 trường hợp có biểu hiện chảy máu bất thường như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng lâu không cầm. Bệnh nhận rải rác từ nhiều nơi: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên... Đáng chú ý có 9 người cùng đến từ thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang; trẻ 13 tháng tuổi đang ăn dặm cũng mắc.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm việc để tìm ra nguyên nhân chính xác.