Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo WB: Trong 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.
Với nền tảng thành công sẵn có, Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới. Thành công của mục tiêu này phụ thuộc vào việc nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải thực hiện quá trình chuyển đổi này trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động sâu sắc.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á vàThái Bình Dương cho biết: Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.
"Trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi và bất ổn gia tăng, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sẽ rất cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài", bà Manuela V. Ferro nói.
Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất 5 nhóm chính sách giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, với trọng tâm cải cách kinh tế và phát triển bền vững.
Thứ nhất, nhóm chính sách hội nhập thương mại sâu hơn, để thực hiện cần tập trung khai thác các hiệp định thương mại đã có như CPTPP, RCEP; giảm rào cản phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ, đẩy mạnh kết nối khu vực; phát triển thương mại số và cải thiện quản lý biên giới.
Thứ hai, nhóm chính sách giúp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). WB khuyến nghị: Việt Nam cần tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để nâng cao năng suất và tạo giá trị gia tăng nội địa. Triển khai các cơ chế tài chính chuỗi cung ứng và chương trình phát triển nhà cung cấp.
Thứ ba, nhóm chính sách chuyển đổi mô hình sản xuất sang công nghệ cao. Theo WB, Việt Nam cần tăng cường dịch vụ hóa xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào gia công, lắp ráp giá trị thấp. Cần hạ rào cản đầu tư vào dịch vụ viễn thông, tài chính và vận tải; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại.
"Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tuy là động lực cho thành công trước đây, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào gia công khâu cuối thâm dụng lao động nhưng đem lại giá trị gia tăng tương đối thấp, không đủ để đem lại tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cần thiết để đạt mục tiêu đó. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, chuyển dịch sang các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo chế biến đem lại giá trị gia tăng cao hơn, bằng cách cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo", các chuyên gia WB góp ý.
Thứ tư, nhóm chính sách nâng cấp lực lượng lao động. Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục đại học, đào tạo kỹ thuật và phát triển kỹ năng chuyên sâu. Việt Nam cần khuyến khích đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Việt Nam cần cải cách giáo dục hướng đến nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Thứ năm, nhóm chính sách phát triển bền vững, giảm thải carbon. Các chuyên gia WB khuyến nghị: Việt Nam cần chuyển sang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cần đầu tư hạ tầng năng lượng sạch và tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu; định giá carbon và khuyến khích áp dụng công nghệ xanh.
Theo WB, những chính sách này hướng đến cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng trưởng bao trùm, và phát triển bền vững, giúp Việt Nam không chỉ nâng cao vị thế kinh tế mà còn giảm thiểu rủi ro từ các biến động toàn cầu. Những phát hiện của báo cáo đã được trình bày tại hội nghị cấp cao do GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á & Thái Bình Dương tại Hà Nội chủ trì vừa qua. Báo cáo được chuẩn bị với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Đối tác Chiến lược Australia-WB(ABP2).
Anh Minh