Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ý kiến trên được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 23/5.
WB dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,7%, và lạm phát cuối năm được dự báo giảm xuống còn dưới 10%. Nền kinh tế Việt Nam đang dần bước vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và bắt đầu chú trọng thúc đẩy tăng trưởng thời gian gần đây, nhưng cũng cần thận trọng trong nới lỏng chính sách.
Về nợ công, WB đánh giá Việt Nam có khả năng duy trì tính bền vững nếu đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục và các cơ quan chức năng vẫn theo đuổi con đường củng cố tài chính như hiện tại. Phân tích bền vững nợ tại các quốc gia thu nhập thấp của WB cho thấy Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài.
Sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước khi những khoản nợ của các doanh nghiệp này không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Nhận xét về quá trình trển khai đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011-2015, ông Deepak Mishra cho rằng do việc các ngân hàng mạnh đang ngày càng thận trong trong mua bán sáp nhập, và tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng dường vẫn chưa đủ nhanh như yêu cầu trong việc giải quyết các ngân hàng yếu.
Dự báo về tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB cho rằng bất chấp việc tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2011 chỉ đạt 8,2% (4,3% nếu trừ Trung Quốc) đánh dấu sự suy giảm mạnh, thì tăng trưởng của khu vực cao hơn khoảng 2% so với tỷ lệ tăng trưởng trung bình ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới, và trình trạng nghèo đói đã tiếp tục giảm.
Hiện tượng tăng trưởng chậm lại trong năm 2011 chủ yếu bắt nguồn từ mức tăng thấp hơn dự kiến của kim ngạch xuất khẩu trong khu vực sản xuất cũng như sự gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh của trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản và lũ lụt nghiêm trọng ở Thái Lan.
Theo ông Bert Hofman, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, hầu hết các nền kinh tế Đông Á đều đang ở vị thế dễ thích nghi với những biến động; nhu cầu trong nước đã chứng minh có khả năng chống chịu trước những cú sốc. Nhiều quốc gia hiện có tài khoản thặng dư và đang duy trì mức dự trữ quốc tế cao. Các hệ thống ngân hàng nói chung hiện đang giữ mức vốn khá ổn định.
Khu vực đang phát triển Đông Á - Thái Bình Dương cần phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu và hướng tới đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu trong nước nhằm duy trì tăng trưởng cao. Hiện tại, nhiều nước đang hướng theo xu thế này nhưng cũng cần lưu ý thêm đến vấn đề tái cân bằng.
Văn Chính