Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (2019nCoV) gây ra. |
"Trong các tuần vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó và bùng phát chưa từng có tiền lệ. Và mầm bệnh này cũng đã được nhiều nước phản ứng cũng theo cách chưa từng có tiền lệ", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại họp báo.
"Hãy để tôi nói rõ, việc tuyên bố này không có nghĩa là chúng tôi không tin tưởng Trung Quốc. Việc chúng tôi lo ngại nhất là khả năng virus này lan truyền đến các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn".
Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 8.200 ca, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003.
Tính đến 23h30’ ngày 30/1 (giờ Việt Nam), theo báo South China Morning Post, số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu lên đến 8.241 người, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, số quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm đã lên đến con số 21, mới nhất là Ấn Độ và Philippines.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh việc tuyên bố viêm phổi do virus nCoV là "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu" nhằm giúp các quốc gia tăng cường khả năng ứng phó, đồng thời hoan nghênh Bắc Kinh đã hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch.
"Chúng ta chỉ có thể chặn đứng dịch bệnh nếu cùng hợp tác", Tổng Giám đốc WHO nói, tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng "không có lý do" để ra lệnh cấm đi lại và giao thương quốc tế.
Quyết định này cho phép WHO đưa ra khuyến nghị với tất cả các nước nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới, trong khi vẫn không cản trở giao thương và đi lại, đồng thời hối thúc các quốc gia tăng cường biện pháp theo dõi, chuẩn bị và kiểm soát dịch bệnh.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO khẳng định việc hạn chế đi lại, lưu thông với người và hàng hóa là "không hiệu quả". "Lệnh phong tỏa có thể ngăn nỗ lực hỗ trợ y tế và kỹ thuật, gây ảnh hưởng với hoạt động kinh doanh và tác động tiêu cực đến nền kinh tế của những nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, biện pháp cấm đi lại vẫn có hiệu quả ngắn hạn", cơ quan này ra thông cáo cho hay.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.
Trước dịch viêm phổi lạ do virus corona, WHO đã 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Lần đầu tiên là vào tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ 2 vào tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ 3 và thứ 5 diễn ra vào năm 2014 và 2019 trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ 4 là vào năm 2016 với dịch bệnh do virus Zika ở châu Mỹ.
WHO từng 2 lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo về đại dịch toàn cầu.
Vũ Phong