Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam mới đây công bố Bản tư vấn chính sách với tiêu đề "Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và Phát triển Bền vững tại Việt Nam."
Đây là bản tư vấn chính sách dựa trên các bằng chứng quốc tế và sử dụng mô hình mô phỏng tác động thuế để đánh giá tác động của các lựa chọn thuế khác nhau đối với sức khỏe và nền kinh tế Việt Nam.
Tại Việt Nam, thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 1.14% GDP (theo số liệu năm 2022) trong đó bao gồm cả tổn thất về số lượng và năng suất lao động. Mức thiệt hại này gấp 5 lần mức thuế ngành thuốc lá nộp vào ngân sách.
Theo WHO, thuốc lá làm suy yếu lực lượng lao động của Việt Nam với hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm, do hút thuốc trực tiếp hoặc thụ động.
Theo ước tính của Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu mới nhất, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 100.000 người tử vong do thuốc lá, trong đó có 84.500 ca là những người hút thuốc và 18.800 ca là những người đã phải hút thuốc lá thụ động. Sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, hơn 20 loại ung thư và nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác. Hầu hết trường hợp tử vong do hút thuốc nằm ở nhóm nam giới đang trong độ tuổi sung sức; họ bỏ lại vợ, con, cha mẹ, bạn bè và công việc.
Tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao đe dọa khả năng của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu y tế quốc gia, cam kết của Việt Nam đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe và khát vọng đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo báo cáo, một trong những lý do khiến tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao là do giá thành của các sản phẩm này quá rẻ bởi mức thuế thấp. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, trong khi đó mức thuế trung bình toàn cầu là 62% và mức khuyến nghị của WHO là ít nhất 75% giá bán lẻ.
Theo thời gian, tại Việt Nam, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn bởi thu nhập của người dân tăng nhanh còn giá thuốc lá lại không theo kịp. Trong giai đoạn 2010-2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, trong khi đó giá của nhãn hiệu thuốc lá bán chạy nhất chỉ tăng 55%.
Việc tăng đáng kể mức thuế và giá thuốc là là biện pháp hiệu quả nhất để giúp giảm tỷ lệ hút thuốc. Việc tăng thuế thuốc là sẽ đóng vai trò như một "tín hiệu giá" – khi chúng ta tăng giá thuốc lá, người hút thuốc sẽ nhận thấy họ nên tiêu thụ ít hơn hoặc bỏ thuốc. Việc sử dụng thuế thuốc lá như một đòn bẩy cũng là một biện pháp được nêu cụ thể trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, một hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Những người trẻ tuổi là nhóm nhạy cảm nhất với việc tăng giá – đây là lý do rất chính đáng cho việc tăng thuế thuốc lá. Chúng ta cần làm mọi cách có thể để bảo vệ người trẻ tuổi khỏi các sản phẩm thuốc lá hoặc bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotine. Việc không sử dụng các sản phẩm thuốc lá khi còn trẻ giống như được tiêm một loại vắc xin bảo vệ suốt đời, bởi một người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ lớn tuổi hơn.
Để giúp các quốc gia đưa ra quyết định sáng suốt về thuế thuốc lá, WHO đã phát triển một mô hình mô phỏng tác động của thuế thuốc lá có tên là TaXSim. Mô hình này dự đoán các thay đổi về giá cả, mức tiêu thụ, mục tiêu sức khỏe và ngân sách nhà nước khi tăng thuế thuốc lá.
Mô hình TaXSim theo phương án WHO khuyến nghị cho kết quả tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá 75% và áp mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lá là 15.000 đồng tới năm 2030 sẽ giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới xuống còn 35.8%, giảm 696.000 người nghiện thuốc lá so với năm 2020, đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Ngoài ra, phương án "mạnh tay" này sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, ước tính sẽ tăng thêm khoảng 29 nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020, gấp 15 lần so với việc duy trì mức thuế hiện tại.
Theo đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính từ năm 2026, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá vẫn giữ mức thuế 75% như hiện hành và áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lá là 5.000 đồng, tới năm 2030 là 10.000 đồng.
Theo phân tích của WHO, phương án này sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới tại Việt Nam xuống 37,5% vào năm 2030 so với năm 2020, tương đương giảm khoảng 2,5 triệu người hút thuốc trưởng thành vào năm 2030 so với kịch duy trì mức thuế hiện hành. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số trong giai đoạn này có nghĩa là tổng số người hút thuốc sẽ vẫn tương tự như năm 2020. Phương án này cũng giúp tăng thêm 21,8 nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm tới năm 2030.
Trong Bản tư vấn chính sách, WHO cũng trích dẫn bài học thành công từ đất nước Philippines khi thực thi Luật Cải cách thuế, chuyển cấu trúc thuế đồng thời tăng mạnh thuế suất đều đặn qua các năm từ 2013-2017 để tiến tới còn một mức thuế chung 30 Peso (khoảng 0.5 USD)/bao thuốc vào 2017.
Từ năm 2018-2023, thuế suất đối với thuốc lá tại Philippines đã tăng đều đặn mỗi năm, đạt mức 60 peso (hơn 1 USD)/bao vào năm 2023 và từ sau năm 2023 thì mức thuế sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 5% mỗi năm. So với năm 2012, thuế tiêu thụ đặc biệt ở bậc cao cấp tăng 110% và ở bậc trung bình tăng hơn 700%.
Theo đó, việc tăng thuế của Philippines đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tỉ lệ hút thuốc: từ 27% năm 2009 xuống còn 19,5% năm 2021.
Đồng thời, doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ khoảng 680 triệu đô la Mỹ vào năm 2012 lên khoảng 2,9 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022.
Cải cách thuế của Philippines là một ví dụ rõ ràng về chính sách "cùng có lợi": chiến thắng cho sức khỏe cộng đồng và chiến thắng cho doanh thu của Chính phủ, một bài học thành công về sử dụng thuế thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo bà Angela Pratt, kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy rằng trong khi thuế thuốc lá cao hơn có thể làm giảm nhẹ việc làm trong ngành công nghiệp thuốc lá trong dài hạn, chúng có tác động tích cực ròng đến việc làm nói chung, vì tiền không chi cho các sản phẩm thuốc lá chảy vào các lĩnh vực kinh tế khác, kích thích sản xuất và tạo ra nhiều việc làm hơn. Do đó, việc tăng thuế thuốc lá, trên thực tế, tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế và việc làm.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam có khoảng 13.000 công nhân nhà máy thuốc lá, 97.000 người trồng thuốc lá tương đương toàn thời gian và khoảng 64.000 công nhân tương đương toàn thời gian trong ngành phân phối thuốc lá.
Tổng cộng, ngành công nghiệp thuốc lá chiếm chưa đến 0,4% tổng số lao động trong nền kinh tế.
Nghiên cứu cũng ước tính, sử dụng phương pháp đầu vào-đầu ra, rằng việc tăng thuế 60% (tương đối) sẽ dẫn đến tăng tổng sản lượng của nền kinh tế (các ngành công nghiệp không phải thuốc lá) thêm 0,18% và tổng số việc làm (trong các ngành khác) sẽ tăng 0,24% (tương đương với hơn 120.000 việc làm), có khả năng bù đắp nhiều hơn bất kỳ khoản mất mát nhỏ nào về việc làm trong ngành công nghiệp thuốc lá.
Bà Angela Pratt nhấn mạnh "Đây là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO. Phương án cùng thắng vừa giảm gánh nặng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe, vừa huy động được thêm nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các ưu tiên phát triển bền vững mà Chính phủ đặt ra".
"Quốc hội Việt Nam đang đứng trước cơ hội để làm điều này trong kỳ họp sắp tới. Những cải cách chính sách về thuế thuốc lá có thể giảm đáng kể các tác động có hại của thuốc lá đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể cho quốc gia".
Người đứng đầu tổ chức WHO tại Việt Nam nhấn mạnh trong khát vọng đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần những cải cách táo bạo và bền vững để củng cố nền tảng cho mô hình phát triển kinh tế của mình.
Tiến tới thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với thuốc lá đầy tham vọng là một chiến lược, hỗ trợ Việt Nam đạt được tầm nhìn về phát triển xã hội, kinh tế và bền vững nhanh chóng./.