Dân bức xúc vì bụi tro
Được biết, lượng trấu này thuộc Nhà máy Xay lúa Ba Cao (thôn Hải Thủy). Sau khi tập kết trấu về bãi đất trống đã được chủ nhà máy thuê của xã đội, một số người đã lén lút đốt lượng trấu này để lấy tro. Khi gặp gió lớn, bụi tro sẽ theo gió bay vào khu dân cư. Theo phản ảnh của dân, tình trạng này kéo dài mấy năm nay, nhưng bị ảnh hưởng nặng nhất là vào ngày 28, 29/9 vừa qua. Gió lớn làm bụi tro bay mịt mù, người đi đường phải dụi mắt liên tục nếu không mang kính, nhà nhà đều che màn, đóng kín cửa, chèn tất cả các lỗ quỳnh, kẽ hở nhằm hạn chế bụi bay vào nhà. Các hàng quán cũng đành nghỉ sớm khi thấy bụi tro bám đầy ly, tách, chén, dĩa một màu trắng xóa.
Anh Đoàn Tiến Dũng – thôn Hải Thủy bức xúc nói: “Nhìn ra ngoài đường chẳng khác nào sương mù, mờ mờ như khói. Người tham gia giao thông rất khó khăn khi quan sát, không chỉ vậy bụi tro bay vào mắt còn gây cảm giác xốn, chảy nước mắt và rất khó chịu dù hạt bụi khá mịn. Các gia đình có trẻ nhỏ trong thôn đều bị bệnh đỏ mắt liên tục…”. Tội nghiệp hơn khi học sinh Trường tiểu học Hải Ninh 2 cũng nằm trong vùng ảnh hưởng. Ông Huỳnh Đình Biên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mấy ngày qua các giáo viên đứng lớp phải đóng cửa giảng bài nhằm hạn chế bụi bay vào mắt các em. Người lớn lẫn trẻ em đều cảm thấy khó chịu bởi lớp bụi tro này. Người dân thôn Hải Thủy đã nhiều lần làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để, gây bức xúc trong dân.
Dự án củi trấu vẫn còn bỏ ngỏ
Theo tính toán, mỗi ngày Nhà máy Xay lúa Ba Cao thải lượng trấu ra môi trường không phải là nhỏ, nếu không tính đến phương án đốt trấu, thì lượng trấu lúa thừa sẽ rất khổng lồ; và cứ thải từ năm này sang năm khác thì đất đai có bạt ngàn cũng không thể chứa đủ. Tuy nhiên, việc đốt trấu cũng không phải là phương án hay khi nơi tập kết trấu nằm khá gần khu dân cư. Ông Tsằn Boi Lộc – Chủ Nhà máy Xay lúa Ba Cao trăn trở: “Chúng tôi chỉ bỏ trấu chứ không đốt trấu và cũng không thể theo dõi ngày đêm để bắt quả tang những người đốt trấu. Lượng trấu đối với mình là dư thừa, bỏ đi nhưng lại là miếng ăn hàng ngày của một số gia đình nghèo khó. Họ đốt trấu lấy tro bán cho những nơi cần pha trộn phân giống. Nếu đất ở xã đội quá gần khu dân cư, thì chính quyền nên tạo điều kiện cho chúng tôi thuê đất nơi khác để bỏ lượng trấu này”. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị ông Lộc chuyển nơi tập kết trấu đến nơi khác xa khu dân cư, nhưng chi phí vận chuyển tăng cao nên ông không đồng ý. Đợt “sương mù” vừa qua, chúng tôi đã phạt hành chính, yêu cầu ông Lộc khắc phục sự cố và phải có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này trong thời gian tới.
Sau khi nghe dân và chính quyền phản ánh, ông Lộc đã thuê 16 xe chở nước dập đám cháy, hạn chế lượng tro bụi bay mịt mù. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn nếu có người vẫn đốt trấu. Được biết, ông Lộc đã đưa vào thử nghiệm bước đầu công nghệ làm trấu thành củi than, nhằm tận dụng lượng trấu lúa thải ra. Tuy nhiên, dự án củi trấu đến nay vẫn còn bỏ ngỏ vì thiếu đất và đầu ra. Ông Lộc cho biết, ngày 31/3/2011 ông đã làm đơn xin thuê đất tại cụm KCN Bắc Bình 3 (xã Hải Ninh) để di dời, mở rộng nhà máy xây xát ra khỏi khu dân cư về nơi quy hoạch mới và thực hiện dự án củi trấu với tổng diện tích đất 37.500 m 2 . UBND huyện Bắc Bình đã tiến hành khảo sát, đo đạc đất nhưng đến nay, ông Lộc vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động. Đây là khó khăn chung của các nhà máy xay xát lúa trong tỉnh khi lượng trấu thừa không biết bỏ đâu”. Nhưng thực tế, các dự án nằm trong KCN Bắc Bình 3 vẫn phải đợi sự phê duyệt của UBND tỉnh…
Ông Nguyễn Châu nhấn mạnh thêm, trước khi dự án được phê duyệt đưa vào hoạt động, Nhà máy Xay xát lúa Ba Cao nên có phương án di dời nơi tập kết trấu lúa, hoặc phải có trách nhiệm kiểm tra, quản lý lượng trấu thải ra, tránh tái diễn tình trạng đốt trấu bừa bãi, gây ảnh hưởng, phiền hà đến đời sống sinh hoạt của dân trong thời gian tới.
Hồ Mây