Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận được giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc do Bộ TT&TT trao tặng với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiên phong xây dựng hệ thống bảo tàng ảo/trưng bày ảo 3D, giới thiệu trưng bày trực tuyến, đổi mới các hoạt động giáo dục tại bảo tàng bằng "Giờ học lịch sử online", xây dựng hệ thống thuyết minh tự động, hay khám phá, tương tác, trải nghiệm công nghệ, xây dựng phần mềm quản lý hiện vật…
Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã xây dựng phần mềm quản lý hiện vật, màn hình cảm ứng, website, âm thanh kỹ thuật số hỗ trợ các tổ hợp trưng bày để phục vụ khách tham quan…
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đưa bảo tàng ảo vào phục vụ khách tham quan từ năm 2018, đầu tư phần mềm disanso, đưa di sản văn hóa phi vật thể lên mạng internet lưu trữ và quảng bá rộng rãi (disanso.vn). Qua đó khách tham quan ở bất cứ đâu, chỉ cần một thiết bị công nghệ có mạng internet có thể xem về văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, xem cách làm sáo, làm khèn, biểu diễn sáo, khèn và hiểu được thông tin về từng loại nhạc cụ…
Những dẫn chứng trên cho thấy, để thích ứng với thời đại, các bảo tàng Việt Nam đã nhanh nhạy cập nhật xu thế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn bảo tàng nhằm thu hút khách tham quan, "thổi hồn" cho các hiện vật trưng bày.
Là đơn vị vừa nhận được giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện vật bảo tàng không chỉ được giới thiệu trong trạng thái tĩnh, mà sự tương tác dưới nhiều hình thức đã được áp dụng rộng rãi ở các bảo tàng trên khắp thế giới, đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Bằng việc sử dụng công nghệ một cách thông minh, bảo tàng có thể tăng cường sự tập trung và quan tâm tới bộ sưu tập của mình và làm cho bảo tàng trở nên dễ tiếp cận hơn. Với sự phát triển của công nghệ, hình thức hướng dẫn tham quan, giới thiệu các sưu tập hiện vật online hay trưng bày ảo… ngày càng phong phú, đa dạng, cho thấy xu hướng tất yếu này trong hoạt động bảo tàng.
Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt phục vụ công chúng vào năm 2021. Đây là ứng dụng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua thiết bị định vị iBeacon. Ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR hoặc mã số định danh tác phẩm.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội, như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm, đọc nội dung bài giới thiệu, xác định vị trí hiện vật, xem sơ đồ hệ thống trưng bày, phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc…
Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp và trực tuyến bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới. Đặc biệt, thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ, với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Italy.
Ra đời trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu bị tê liệt thời gian dài do đại dịch COVID-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn duy trì đều đặn tương tác với khách tham quan, hỗ trợ du khách tìm hiểu về các hiện vật của bảo tàng.
Chia sẻ về những đổi mới trong công tác bảo tồn bảo tàng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ThS. Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc bảo tàng cho biết, để đáp ứng thực tiễn phát triển và nhu cầu thưởng lãm các giá trị lịch sử, văn hóa ngày càng cao của đông đảo công chúng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bảo tàng đã kịp thời đổi mới phương thức giới thiệu những giá trị tài liệu, hiện vật, ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày, tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về kho tư liệu, hiện vật, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách tham quan.
Trong đó, nổi bật nhất là xây dựng hệ thống bảo tàng ảo/trưng bày ảo 3D. Chỉ với thao tác nhấn chuột đơn giản trên máy tính, hoặc nhấn chạm trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan vừa như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, có thể ngắm nghía đa chiều các báu vật lịch sử, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ... khiến chuyến tham quan trở nên sống động và thú vị. Đặc biệt, công chúng còn được tương tác, nghe các chuyên gia, các nhà sử học giới thiệu về điểm đặc sắc trong mỗi không gian trưng bày, hay những câu chuyện thú vị về hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia qua mục "Tương tác với nhà sử học".
Đặc biệt, từ tháng 9/2021, trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia giới thiệu 20 bảo vật quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng. Lần đầu tiên, công chúng có cơ hội có thể tự tìm hiểu, tra cứu, khám phá bảo vật quốc gia ở nhiều góc độ, cấp độ thông tin khác nhau tùy theo nhu cầu và sự quan tâm của mình.
Đối với Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, đã áp dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh trong du lịch, như hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống quản lý nội dung; triển khai mã QR code cho 40 hạng mục của di tích, cung cấp thông tin cho khách tham quan. Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ. Hỗ trợ thuyết minh cho khách tham quan bằng thiết bị thuyết minh tự động (audio guide) theo chuẩn quốc tế với 12 ngôn ngữ tiếng bản địa: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Italy, Thái Lan. Chuẩn hóa nội dung thuyết minh về di tích. Phát triển, hoàn thiện hạ tầng mạng như hệ thống mạng nội bộ, hệ thống camera giám sát. Bán và soát vé sử dụng công nghệ với hệ thống vé điện tử, tích hợp bán vé qua apps mobile cho khách tham quan. Tích hợp bán vé online cho du khách có thể mua vé trên apps mobile kết nối internet mọi lúc mọi nơi.
Đứng trước nhu cầu phải đổi mới để thu hút khách tham quan, các bảo tàng, các khu di tích buộc phải thích ứng với thời cuộc, đa dạng hình thức giới thiệu hiện vật và nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hoá, theo đó, vẫn chưa có những quy định cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng.
Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tảng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, trên thực tế, là tổ chức phi lợi nhuận, thông thường các bảo tàng không có đủ kinh phí để ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác bên ngoài bảo tàng là xu hướng tất yếu để bảo tàng có thể thực hiện được chức năng của mình.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, đến nay vẫn chưa có quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công- tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa. Do đó, các dự án xã hội hóa chưa có nhiều và không phải mô hình hợp tác nào cũng hiệu quả, cũng như không phải mô hình hợp tác nào cũng mang tính bền vững.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn công ty công nghệ có đủ năng lực, có cùng định hướng, tin tưởng, chia sẻ và đồng hành trong cả quá trình cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, bảo tàng không có đủ nguồn lực về công nghệ nên phải dựa vào đối tác. Ngược lại, công ty công nghệ không có kiến thức về bảo tàng nên không thể một mình xây dựng sản phẩm công nghệ cho bảo tàng. Vì vậy, việc hợp tác chặt chẽ giữa đôi bên là hết sức cần thiết.
Đồng thời, đối với dự án xã hội hóa huy động nguồn lực từ nhà đầu tư bên ngoài, việc minh bạch về nguồn vốn đầu tư và chia sẻ nguồn lợi là điều tiên quyết để duy trì mối quan hệ hợp tác đôi bên.
"Đầu tư công nghệ cho hoạt động bảo tàng là khoản đầu tư phục vụ xã hội là chủ yếu mà không nhằm thu lợi nhuận. Để xây dựng nền tảng và sản phẩm công nghệ, đối tác công nghệ chắc chắn phải bỏ ra khoản đầu tư rất lớn, nhưng đổi lại, việc thu hồi vốn là rất ít và chậm. Chính vì thế, nếu không phải là nhà đầu tư có trách nhiệm với xã hội, có tinh thần phục vụ cộng đồng, hoạt động vì mục đích cao cả là phát huy giá trị di sản của đất nước thì rất khó có được dự án hợp tác với bảo tàng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tìm được đối tác công nghệ cùng đồng hành với bảo tàng trong suốt 5 năm qua. Kể từ khi sản phẩm iMuseum VFA ra mắt đến nay, chúng tôi và Vinmas vẫn luôn gắn bó, đồng hành trong việc phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên nền tảng số", ông Nguyễn Anh Minh nói.
Đối với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, việc chuyển đổi số tại đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, như việc ứng dụng công nghệ tất yếu phải đầu tư những khoản kinh phí cho việc lắp đặt, vận hành các thiết bị công nghệ. Mặc dù được Bộ VHTT&DL quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư để đổi mới trang thiết bị… nhưng thiết bị và công nghệ thì phát triển từng ngày, từng giờ, trong khi thiết bị tại bảo tàng đã cũ và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu. Khi đã có thiết bị thì cần đến người vận hành thiết bị. Cán bộ bảo tàng có thể làm tốt chuyên môn nhưng thiếu và yếu kiến thức về công nghệ, dẫn đến khi thực hiện thiếu tự tin, rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu…
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đồng quan điểm khi cho rằng, để đạt được những mục tiêu cơ bản đến năm 2025 và định hướng năm 2030 trong chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTT&DL đề ra cần phải có cơ chế, chính sách và các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật cụ thể để các bảo tàng có thể chủ động từng bước thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Hà cũng chia sẻ vấn đề đặt ra là kinh phí thực hiện chủ yếu được trích từ nguồn ngân sách hằng năm của đơn vị, nên việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số hiện chưa đồng bộ. Cụ thể đối với một bảo tàng, muốn chuyển đổi số các hoạt động thì trước hết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về tài liệu hiện vật bảo tàng. Do đó, cần sớm có cơ chế, chính sách và các quy định, định mức về tài chính để các đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Song song với đó là xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin. Ban hành chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật bảo tàng để các bảo tàng có thể thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả. Xây dựng cơ chế khai thác và sử dụng thông tin đối với các đơn vị quản lý di sản văn hóa.
Diệp Anh