Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Mộc Bắc là xã thuần nông của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nằm ven đê sông Hồng. Tháng 8/2006, UBND xã cho các hộ dân thành lập Cty để sản xuất gạch gia công làm vật liệu xây dựng thuộc bãi bồi.
Theo quy định của UBND xã, các hộ tham gia dự thầu phải nộp đơn và tiền đặt cọc 500 nghìn đồng. Hộ nào trúng thầu phải nộp tiền bảo lãnh hợp đồng 50 triệu đồng và sẽ được thanh toán vào cuối hợp đồng. Thời gian sản xuất từ ngày 10/10/2006 đến 30/6/2011. Mỗi lô thầu được xây 4 lò, độ sâu khai thác đất là 4m, phải bảo đảm an toàn lao động, môi trường, hạn chế khí thải, giảm thiểu ô nhiễm...
“Phép vua thua lệ làng”
Tuy nhiên, những quy định đã nêu chỉ nằm trên giấy. Thực tế việc đấu thầu, xây lò, khai thác đất làm gạch ở cụm Bắc bãi bồi ven sông xã Mộc Bắc lại "mạnh ai nấy làm" đang gây hậu quả rất nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe nhân dân. Ngoài Xí nghiệp gạch Mộc Bắc, có thêm gần 30 lò gạch thủ công, đưa công suất gạch lên hơn 70 triệu viên/ năm. Toàn bộ sức nóng, khói bụi than của Xí nghiệp gạch Mộc Bắc và hàng chục lò thủ công ngày đêm bao bọc, hun cháy 20 mẫu lúa của các xóm 1, 2, 3 thôn Hoài Dương, các loại cây ăn quả như cam, chuối cũng bị khói bụi nướng sém, khô vàng.
Nguy hiểm hơn là tình trạng các chủ thầu ngang nhiên dùng máy đào, máy xúc cỡ lớn, đào sâu 8 -10m để lấy đất làm gạch. Hàng loạt rặng tre bảo vệ đê, thậm chí các doi đất nằm sát chân đê cũng bị đào, xúc đất không thương tiếc, gây nguy cơ sạt lở, vỡ đê khi có mưa lũ tràn về. Rồi hàng loạt xe trọng tải lớn liên tục hoạt động, quần nát nhiều đoạn đường đổ bê-tông mặt đê sông Hồng.
Từ ngày 1/8/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg "Xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010". Bất chấp quyết định đó, UBND xã Mộc Bắc vẫn vô tư kí hợp đồng khai thác đất, sản xuất gạch thủ công đến năm 2011, 2013. Điển hình nhất trong số này là 2 Cty TNHH Việt Hùng và Hoàn Dương, trong khi cả hai Cty này đều chưa được cấp phép?
Trước tình hình tiêu cực đó, nhân dân đã có nhiều đơn thư kiến nghị, tố cáo, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, song tất cả đều rơi vào "sự im lặng đáng sợ".
Thảm họa khôn lường
Một cán bộ y tế ở xã Mộc Bắc cho biết: Suốt mấy năm nay, nhân dân Mộc Bắc ngày đêm phải hít bụi than, khói than từ các lò gạch thủ công nên phần lớn nhân dân trong xã đều mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, sức khỏe sa sút, bệnh tật không ngừng gia tăng. Riêng thôn Hoàn Dương, nơi có các lò gạch đun đốt, mấy năm qua đã có tới 70 người chết vì căn bệnh ung thư quái ác, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày. Gần đây nhất, 110 cháu nhỏ ở thôn phải đồng loạt nghỉ học vì trước thảm họa khói bụi từ các lò gạch liên tục tấn công nơi các cháu học đang là lời cảnh báo về môi trường xuống cấp nghiêm trọng ở xã Mộc Bắc.
Kinh tế ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu về xây dựng, đặc biệt là vật liệu xây dựng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ các lò gạch đun đốt thủ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định xóa bỏ các lò gạch thủ công, thay vào đó là các lò tuynel công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây không phải là quyết định một sớm một chiều mà đã có cả mộtthời gian dài để tổ chức triển khai thực hiện. Thế nhưng, đến nay, chính quyền xã Mộc Bắc vẫn ký hợp đồng cho khai thác là một việc làm coi thường pháp luật, coi thường nhân dân, cần phải bị xử lý nghiêm minh.
Phạm Huy