Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Hùng, tổng cộng tỷ lệ 2 thương tật của ông phải là 31% và ở tỷ lệ này, mức hình phạt đối với người gây thương tích cho ông phải ở khung cao hơn. Ông Hùng được giải thích việc xác định tỷ lệ thương tật của ông được áp dụng theo phương pháp cộng lùi. Ông Hùng đề nghị được giải thích về phương pháp này.
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của ông Hùng như sau:
Hiện nay việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) mất sức lao động do thương tật cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; người lao động bị thương do tai nạn lao động; người bị hại trong vụ án hình sự… khi thực hiện giám định lần đầu và giám định lại thương tật được áp dụng theo Bản quy định tiêu chuẩn thương tật ban hành kèm theo Thông tư Liên Bộ số 12-TT/LB ngày 26/7/1995 của Liên Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong bản quy định này, từng vết thương, thương tật, di chứng cụ thể ở từng vùng, từng bộ phận trên cơ thể được xác định rõ theo tỷ lệ phần trăm (%) so với cơ thể khỏe mạnh ban đầu là 100%.
Theo hướng dẫn tại điểm 5, Mục III Thông tư Liên Bộ số 32/TT-LB ngày 27/11/1985 của Liên Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với trường hợp một người bị nhiều vết thương hỗn hợp thì xác định tỷ lệ riêng cho từng di chứng, cuối cùng áp dụng phương pháp cộng lùi để tính tỷ lệ chung của các vết thương rồi mới xếp vào hạng.
Như vậy, trường hợp có nhiều vết thương, sau khi xác định tỷ lệ riêng cho từng vết thương, để tính tỷ lệ chung của các vết thương cần phải áp dụng phương pháp cộng lùi. Cộng lùi là cách tính căn cứ theo tỉ lệ tình trạng sức khỏe giảm dần sau những lần bị thương tật, nhằm bảo đảm nguyên tắc tỷ lệ chung không được vượt quá mốc tỷ lệ 100% của toàn cơ thể, hoặc tỷ lệ mốc tối đa của từng bộ phận cơ thể.
Trường hợp ông Hoàng Phi Hùng, có 2 vết thương ở 2 bộ phận cơ thể, vết thương có tỷ lệ thương tật cao nhất là 20 % (so với cơ thể khỏe mạnh ban đầu là 100%). Cộng với vết thương thứ hai có tỉ lệ thương tật là 11 % (so với cơ thể khỏe mạnh ban đầu 100%), nhưng thực tế lúc cộng bởi tác động của vết thương cao nhất có tỷ lệ thương tât 20%, nên cơ thể chỉ còn khỏe mạnh là 80%, do đó tỉ lệ 11% của 80% sức khỏe là 8,8%. Áp dụng phương pháp cộng lùi, tỷ lệ tổn hại sức khoẻ của ông Hùng đối với hai thương tích là; 20% 8,8% = 28,8%, có thể làm tròn là 29% .
Việc xác định chính xác tỷ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại trong vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng hình phạt đối với người cố ý gây thương tích cho người khác. Theo Điều 104 Bộ luật hình sự, tỷ lệ thương tật hoặc tỷ lệ tổn hại sức khỏe gây ra cho người khác từ 11% đến 30 %, hoặc từ 31% đến 60% tương ứng mức hình phạt khác nhau.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Đối tượng được giám định lại thương tật
- Điều kiện để được giám định lại thương tật