Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhận định về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm đưa ra cảnh báo từ tháng 1-2/2024, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60-85% vào thời kỳ tháng 3-5/2024.
Trước những dự báo trên, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm lưu ý, các tháng mùa khô năm 2024, khu vực ĐBSCL có khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Vì vậy, các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn, nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL khả năng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, người dân cần có kế hoạch ứng phó, chủ động trước xâm nhập mặn.
"Nếu xâm nhập mặn kéo dài với độ mặn cao, một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái," ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cảnh báo tác động của El Nino; thông tin cho các bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.
Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn và các đơn vị liên quan tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông; cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.
Dữ liệu thống kê từ năm 2010 đến nay cũng cho thấy lượng mưa trung bình trong mùa khô đã suy giảm trung bình từ 10-30%, từ đó làm suy giảm dòng chảy mùa khô từ 5-10%. Cá biệt có những năm ở ĐBSCL diễn ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng như năm 2016, 2020; kết hợp với sự gia tăng mực nước biển đã khiến mức độ xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, mặn xâm nhập vào sâu trong sông 20-25km so với trung bình nhiều năm.
Theo bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, những năm gần đây, các biến động trên ngày càng khó lường với tần suất lớn đã gây ra nhiều tác động bất lợi đối với ĐBSCL như: các diễn biến cực đoan của lũ và hạn; gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sinh, thủy sản; gia tăng hiện tượng sạt lở lòng bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế liên quan đến tài nguyên nước và đe dọa đời sống của hàng triệu người dân (đa số là người dân nghèo, phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nước và các loại tài nguyên có liên quan của sông Mekong).
Các địa phương cần chủ động về kế hoạch ứng phó khi có dự báo, cảnh báo biến đổi nguồn nước từ thượng nguồn về tới đồng bằng; cũng như kế hoạch về mùa vụ, cơ cấu cây trồng; kế hoạch trữ nước, duy tu bảo dưỡng và nâng cấp công trình cấp nước, điều tiết nước; chủ động trong phối hợp, điều phối, đảm bảo hài hòa lợi ích; tăng cường nâng cao nhận thức về sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm cho người dân.
Bà Nguyễn Hồng Phượng cũng khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao năng lực cảnh báo sớm về tình hình nguồn nước về ĐBSCL và công tác tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng, người dân. Việc này cần làm một cách hiệu quả và kịp thời.
Thu Cúc