Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sự xuất hiện hàng loạt “cơn bão” thực phẩm bẩn được đăng tải trên báo chí trong thời gian qua khiến người dân lo lắng, băn khoăn khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Qua khảo sát của phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, nhiều người tiêu dùng, nhiều gia đình đã điều chỉnh thói quen mua sắm, nhất là thực phẩm cho bữa ăn gia đình hằng ngày, thậm chí hình thành nên những hình thức "tự sản tự tiêu" như các gia đình tự trồng rau nuôi gà tại gia, hoặc mang thực phẩm từ quê nhà lên để sử dụng thay vì ra chợ mua.
Vì thế, việc xây dựng “chợ an toàn” tại một số địa phương được nhiều người dân mong đợi là sẽ góp phần hạn chế tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng mong thực phẩm sạch
Chị Nguyễn Phương Ngân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, hàng ngày đi chợ chị luôn phải lo lắng, băn khoăn về chất lượng thực phẩm. Mặc dù chưa rõ mô hình của “chợ an toàn” nhưng chị Ngân cho rằng, các sản phẩm được bày bán trong “chợ an toàn” sẽ có sự kiểm tra, kiểm dịch cẩn thận hơn, người tiêu dùng mong có nhiều chợ bán thực phẩm an toàn thật sự.
Người tiêu dùng đều muốn mua thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc |
Chị Lý cho rằng nếu có “chợ an toàn” thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ hưởng ứng vì ai mà không muốn mua thực phẩm an toàn được bày bán sạch sẽ, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, để có được “chợ an toàn”, chị Lý nghĩ trước hết phải xây dựng được nơi sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn.
Không chỉ đảm bảo vệ sinh mà “chợ an toàn” còn cần đảm bảo cả an ninh, môi trường sạch sẽ là quan điểm của chị Phạm Thị Liên (Đống Đa, Hà Nội). Chị Liên thấy rằng, ngoài vấn đề chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bày bán trong chợ, cơ sở hạ tầng của các chợ hiện này đa số đều xập xệ, môi trường không sạch sẽ, thậm chí nhiều chợ các sản phẩm được bày bán trên vỉa hè, lòng đường.
“Người mua hàng còn phải đối diện với nạn cân thiếu, nói thách, không niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Do đó, khi xây dựng “chợ an toàn”, rất cần quan tâm đến cả môi trường, an ninh cũng như kỹ năng bán hàng của chủ các quầy, sạp trong chợ”, chị Liên bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Thế Tuyển, Trưởng ban Ban Quản lý chợ Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, chợ Mỹ Bình được chọn để triển khai thực hiện mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, chợ đang nâng cấp lô, sạp, xây dựng hệ thống nước thải và triển khai các hộ đăng ký kinh doanh, vận động người dân tham gia để đưa vào hoạt động trong tháng 11.
“Với chất lượng vệ sinh đảm bảo an toàn theo mô hình nhà nước đưa ra, lô sạp sạch sẽ, sinh hoạt nề nếp, cả người bán lẫn người tiêu dùng đều mong khi đưa vào hoạt động, chợ Mỹ Bình sẽ trở thành điểm mua bán tin cậy của người dân thành phố”, ông Tuyển nói.
“Chợ an toàn” và yêu cầu xây dựng tiêu chí
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, bên cạnh việc xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm hiện đại như siêu thị thì việc xây dựng chợ truyền thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cần thiết.
Tuy nhiên, bà Tuyết cho rằng, do các sản phẩm đưa vào bày bán trong chợ rất đa dạng nên rất cần sự phối hợp giữa các Bộ, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế để đưa ra tiêu chí thống nhất trong xây dựng “chợ an toàn”.
“Hiện nay, do phải tự xây dựng tiêu chí nên Sở mới phân ra một số nhóm hàng cơ bản kinh doanh trong chợ, nhưng về lâu dài cần có sự chuyên sâu hơn nữa trong các sản phẩm kinh doanh. Bên cạnh đó, Sở cũng gặp khó khăn trong việc bố trí lô, sạp vì vẫn chưa có tiêu chí và hướng dẫn thống nhất”, bà Tuyết cho hay.
Còn ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở Công Thương đã triển khai xây dựng “chợ an toàn” được một thời gian và hiện đang tiến hành kiểm tra, rà soát để có sự tổng hợp, đánh giá kết quả. Nhưng về phía các ban ngành liên quan tại địa phương, do chưa có hướng dẫn từ các Bộ nên việc triển khai, phối hợp cũng gặp vướng mắc, khó khăn và đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn.
Bến Tre là một trong các tỉnh thí điểm xây dựng “chợ an toàn”, ông Trương Minh Nhựt, Giám đốc Sở Công Thương của tỉnh rất ủng hộ việc thí điểm này vì hiện nay, các chợ truyền thống còn rất nhiều bất cập về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Hiện nay, Sở Công Thương đang hoàn chỉnh dự án và trình tỉnh phê duyệt để sớm triển khai xây dựng. Sở Công Thương sẽ cố gắng thực hiện dự án đạt yêu cầu để có thể nhân rộng hình thức chợ an toàn ra toàn tỉnh”, ông Nhựt nói.
Giá cả tại chợ còn là yếu tố băn khoăn
Ông Thái Văn Bé, Trưởng ban Ban quản lý chợ thành phố Bến Tre cho hay, thời gian trước, mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại thành phố Bến Tre về quầy rau đã được người dân đồng tình ủng hộ nhưng do giá trị sản xuất cao quá, cung ứng người dân không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu hộ dân sử dụng nên hiện nay đã ngừng triển khai.
Do đó, ông Bé đề xuất, trong thời gian tới, để việc triển khai chợ an toàn đạt hiệu quả, cần có sự tuyên truyền đúng hướng cũng như có sự hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động cũng như thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, quản lý chợ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Canh, một chủ hộ tham gia trồng rau an toàn tại TP. Hồ Chí Minh cũng băn khoăn liệu khi đưa “chợ an toàn” vào hoạt động, các sản phẩm trong chợ có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm bên ngoài giá rẻ hơn.
Ông Canh dẫn chứng: Khi trồng rau an toàn, do không sử dụng hoá chất tăng trưởng, rau có thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hao hụt cao. Trong khi đó người tiêu dùng thường vẫn chạy theo tâm lý “giá rẻ và bắt mắt” để mua. Để bảo đảm chất lượng rau an toàn theo tiêu chuẩn, người nông dân sẽ phải bỏ thêm rất nhiều công sức và chi phí cao hơn khoảng 30% so với trồng rau thường, nhưng giá bán rau sạch thành phẩm lại không cao hơn, cao hơn thì lượng tiêu thụ cũng lại bị hạn chế.
Thu Hằng – Kim Huệ thực hiện
Tin liên quan:
Thí điểm ký cam kết sản xuất, cung cấp rau an toàn