Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trong tương lai, việc xây dựng đô thị xanh là điều tất yếu |
Vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển đô thị
Trong những năm qua, hệ thống các đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Hiện nay, Việt Nam đã có 766 đô thị tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 33%. Nhiều khu vực đô thị được xây dựng khang trang, đồng bộ, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), các đô thị Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức to lớn và còn bộc lộ nhiều hạn chế: Chất lượng đô thị chưa theo kịp với số lượng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải chưa được sự lý ngày càng nóng bỏng. Nhu cầu tiêu thụ về năng lượng và tài nguyên cũng như lượng phát thải khí nhà kính tăng nhanh, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Đa số các thành phố lớn các trung tâm công nghiệp của Việt Nam đều tập trung ở các vùng đồng bằng thấp, các khu vực ven biển. Đây là những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Giải pháp xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, cho rằng: Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh phải thông qua việc khảo sát đánh giá toàn diện các vấn đề thách thức và nghiên cứu xây dựng mô hình phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị. Đặc biệt là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo hướng xây dựng các thành phố xanh.
Việc phát động chủ đề “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh” nhằm kêu gọi các đô thị trên toàn quốc hưởng ứng và có các kế hoạch hành động cụ thể triển khai thực hiện chủ đề này trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tập trung triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách quan trọng về phát triển đô thị đã được Chính phủ đã ban hành như Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Chương trình phát triển, nâng cấp đô thị quốc gia, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó là kế thừa những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được trong quá trình phát triển đồng thời tiếp thu những tiến bộ và kinh nghiệm thành công của thế giới để chuyển đổi tư duy, từng bước xây dựng thế chủ động để phát triển bền vững các đô thị.
Ngày 20/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1519/QĐ-TTg chính thức công nhận ngày 8/11 hằng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam”. Theo quyết định này, Ngày Đô thị Việt Nam sẽ được tổ chức nhằm động viên và thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, chính quyền đô thị, các nhà quy hoạch, kiến trúc, các nhà đầu tư phát triển đô thị.
Một trong ba nhiệm vụ chiến lược mà Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra là cần thiết phải “Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”. Chính vì vậy, phát triển đô thị bền vững, tạo lập thói quen tiêu dùng xanh, duy trì lối sống thân thiện với môi trường là những giải pháp cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Toàn Thắng