Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trình bày báo cáo Chính trị tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Chỗ dựa tin cậy của giới báo chí cả nước
Theo đó, kết quả nổi bật mà Hội Nhà báo Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua là tập hợp, đoàn kết được đội ngũ hội viên - nhà báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực. Tổ chức Hội Nhà báo ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người làm báo tự nguyện tham gia. Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 43-CT/TƯ tiếp tục khẳng định sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động Hội và người làm báo.
Những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực đã tạo sức sống mới trong hoạt động và phong trào thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam, được lãnh đạo Đảng Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội, các địa phương và nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao.
Theo ông Hồ Quang Lợi, kết quả trên có được trước hết là do sự lãnh đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức và các địa phương đối với hoạt động báo chí và hoạt động Hội trong cả nước.
Thứ hai, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, xác định và xây dựng chương trình công tác toàn khóa, kế hoạch công tác hằng năm, các nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất phù hợp với tình hình thực tế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kết hợp với công tác giám sát, kiểm tra, rút kinh nghiệm kịp thời.
Thứ ba, Thường trực Thường vụ Hội và các cơ quan chức năng của cơ quan Trung ương Hội với tinh thần trách nhiệm cao đã tích cực, chủ động, năng động trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ.
Thứ tư, sự tham gia của các cấp hội và sự ủng hộ của đông đảo hội viên, đặc biệt, đã phát huy vai trò của các hội nhà báo tỉnh, thành phố, các liên chi hội, các cơ quan báo chí lớn trong việc tổ chức các sự kiện lớn, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ năm, tổ chức Hội đã xây dựng được bầu không khí đoàn kết, đồng thuận, tình đồng chí, đồng nghiệp giữa các cấp hội và các hội viên để Hội Nhà báo Việt Nam trở thành ngôi nhà chung ấm áp, là chỗ dựa tin cậy của giới báo chí cả nước.
Bên cạnh những ưu điểm, trong nhiệm kỷ qua, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế. Đó là, một số tổ chức hội vẫn chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp nên một số cơ quan báo chí, một bộ phận những người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến những vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí, làm tổn thương danh dự và lòng tự trọng của những người làm báo chân chính.
Một số tổ chức hội thiếu năng động sáng tạo, người đứng đầu thiếu nhiệt tình với công tác hội, nên hoạt động hội thiếu sức sống, chưa hiệu quả, chưa tập hợp và thu hút được hội viên, chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, công tác thi đua khen thưởng còn hình thức, chưa khích lệ được tinh thần cống hiến của hội viên, không kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.
Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; chưa chú trọng việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Trình độ, năng lực của một bộ phận người làm công tác hội còn hạn chế. Một bộ phận hội viên thiếu tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số.
Một số cấp hội chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản nên hoạt động hội gặp khó khăn nhiều mặt, thiếu thốn về cán bộ, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Cơ quan Trung ương Hội vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đoàn kết nội bộ. Có lúc chưa phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thống nhất trong việc xây dựng tổ chức đảng của Cơ quan Trung ương Hội thực sự trong sạch, vững mạng, đoàn kết.
Sáu bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn nhiệm kỷ qua, với những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết Hội đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí nói chung, với hoạt động Hội Nhà báo nói riêng.
Hai là, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa cơ quan chỉ đạo (Ban Tuyên giáo Trung ương), cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông) và tổ chức hội (Hội Nhà báo Việt Nam); đề cao bản lĩnh, trách nhiệm và đạo đức của người làm báo; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí.
Ba là, nêu cao tinh thần đoàn kết, sự chủ động, tích cực và sáng tạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khóa X và của các cấp hội, bám sát chủ trương, chính sách, bắt kịp yêu cầu của thực tiễn đời sống báo chí.
Bốn là, vừa phát huy dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương trong sinh hoạt Hội, gắn chặt việc củng cố tổ chức hội với công tác kiểm tra giám sát, gắn chặt việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ với nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; kịp thời ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương công tác quan trọng.
Năm là, cần có sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các cơ quan chủ quản báo chí đối với sự phát triển của báo chí và hoạt động của các cấp hội. Đồng thời, phải tạo được sự tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của công chúng đối với báo chí, với người làm báo.
Sáu là, để hoạt động Hội thành công, đòi hỏi sự dấn thân, yêu nghề, năng động sáng tạo, tinh thần cống hiến, sự gắn bó với tổ chức hội của các nhà báo, hội viên, cán bộ lãnh đạo, các cấp hội và các cơ quan báo chí.
Phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tập trung xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN.
Hội đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới. Đó là, tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ảnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện từ Trung ương đến địa phương, thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Phối hợp thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kiện toàn tổ chức hội sau khi thực hiện quy hoạch báo chí theo hướng giảm bớt đầu mối tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội.
Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên.
Lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, đảm bảo báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, môi trường báo chí lành mạnh. Tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí và đội ngũ người làm báo.
Tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên. Phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe doạ, xúc phạm, hành hung các nhà báo hội viên hoạt động đúng pháp luật. Các cấp hội phối hợp chặt chẽ với các cấp có trách nhiệm và cơ quan báo chí làm tốt công tác tư tưởng, đặc biệt quan tâm đến việc làm, hoạt động nghề nghiệp, đời sống của số người làm báo chịu tác động do thực hiện quy hoạch báo chí, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ người làm báo.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đọc báo cáo chính trị tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Tích cực mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế của Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua đó góp phần tích cực thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong sinh hoạt hội; tăng cường các hoạt động xã hội-từ thiện, nêu cao tinh thần nhân văn của người làm báo cách mạng, tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong xã hội.
Cuối cùng là tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế báo chí. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính, các mô hình kinh tế báo chí. Trong xu hướng thu gọn đầu mối, giảm ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp, các cấp hội cần tích cực, chủ động tìm nguồn lực, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình đặt hàng sản phẩm báo chí và tìm các nguồn thu hợp pháp khác để duy trì và phát triển hoạt động Hội.
Phương Liên