Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ NN&PTNT và đại diện FAO cùng thống nhất định hướng về an ninh lương thực trong phục hồi chuỗi cung thực phẩm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Thay mặt Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Francisco Pichon, Giám đốc Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) cho biết, đại dịch COVID-19 là thách thức toàn cầu, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống lương thực, thực phẩm, cũng như đợt suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ.
Những người nông dân vốn đã chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai, nay còn gặp phải khó khăn trong tiêu thụ nông sản sau khi thu hoạch. Trong khi đó, tình trạng nghèo đói gia tăng đang khiến số lượng người dân thành phố phải sử dụng đến các kho dự trữ lương thực ngày càng tăng và hàng triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Do đó, cần các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững có khả năng cung cấp cho 10 tỷ người trên thế giới vào năm 2050.
Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là một hệ thống có đủ các loại thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, không ai bị đói hoặc suy dinh dưỡng ở bất kỳ hình thức nào. Thực phẩm ít bị lãng phí hơn và chuỗi cung ứng thực phẩm có khả năng chống chịu tốt hơn với các cú sốc như thời tiết khắc nghiệt, giá cả biến động hoặc đại dịch hoành hành, đồng thời tránh làm trầm trọng hơn tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.
Ông Francisco Pichon chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, hành động tập thể của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hướng cho tương lai và chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp với nhau để đảm bảo rằng không có người nào bị bỏ lại phía sau trong tương lai không có suy dinh dưỡng cũng như là đói nghèo và bất bình đẳng. Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng hợp tác và hành động, để mang lại nền sản xuất tốt hơn về dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống tốt hơn cho người dân Việt Nam”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, chủ đề Ngày Lương thực thế giới năm nay là cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. Việc này nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, đồng thời, vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Mặc dù bị tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Qua 9 tháng của năm nay, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, Việt Nam không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp mà còn đề cao vai trò của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả, năng suất, an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng, giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
"Với những định hướng này, Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng với FAO và các đối tác quốc tế triển khai các mục tiêu của Ngày Lương thực thế giới năm nay, qua đó góp phần đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ.
Đỗ Hương