Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Các thành tựu của khoa học y dược đã khẳng định vị thế của một trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước; khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng trên địa bàn, thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần tạo nên thế lực mới cho tỉnh và khu vực.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 trong cả nước và 9/14 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 14 trong toàn quốc, đây là kết quả đáng mừng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế phát triển dựa vào tri thức ngày càng sâu rộng; đặc biệt là Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN lớn của cả nước.
Để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thừa Thiên Huế nhà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, trung tâm KH&CN lớn của cả nước trước năm 2030, Thừa Thiên Huế xác định tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN, hợp tác mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường; chủ động kết nối, hợp tác chiến lược với các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, các bộ, ngành Trung ương…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Đại học Huế cho rằng, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là nhân lực công nghệ cao phục vụ cho mục tiêu phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, nhân lực vi mạch và bán dẫn là một lĩnh vực cần thiết cần được quan tâm và đầu tư cũng như phát triển các chương trình đào tạo phù hợp cho việc cung ứng nguồn nhân lực có tính chất đặc thù này cho mục tiêu phát triển của địa phương cũng như cho chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu.
“Với lợi thế là trung tâm văn hóa, giáo dục và đào tạo, cùng hệ thống đầy đủ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp, trong đó công nghiệp cao như công nghệ thông tin, vi mạch và bán dẫn.
Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn nhằm thu hút đầu tư để trên địa bàn tỉnh có sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn như các tập đoàn Samsung, Intel, Huawei, Marvell, Synopsys, Kayden...”, PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch đề nghị.
Nhật Anh