• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Xây dựng luật chuyên ngành: Giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề nước sinh hoạt

(Chinhphu.vn) – Việc bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, phòng tránh các dịch bệnh do nước gây ra chưa có quy định cụ thể và chế tài xử lý khi vi phạm. Xây dựng và ban hành Luật Cấp, thoát nước là giải pháp căn cơ nhất để tháo gỡ vướng mắc trong quản lý nước sinh hoạt.

20/11/2023 14:11
Xây dựng luật chuyên ngành: Giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề nước sinh hoạt- Ảnh 1.

Cần có quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước cho tất cả các đô thị

Thiếu quy định riêng về nước sinh hoạt

Thực tế hiện nay cho thấy, việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước được quy định tại nhiều Luật. Nguồn nước được điều tiết bởi Luật Tài nguyên nước với các quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ Việt Nam. Luật Thủy lợi quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Luật Bảo vệ môi trường quy định điều tiết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước.

Trong khi đó, công tác đầu tư giám sát chất lượng các công trình cấp nước, chất lượng nước lại được điều tiết bởi Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường…

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh, trước những bất cập đó, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả ở Trung ương và địa phương; hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước.

Đặc biệt, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.

Như vậy, các vấn đề về quản lý tổng hợp tài nguyên nước sẽ tiến tới được điều tiết thống nhất trong một luật, tuy nhiên, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vẫn chưa có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về nội dung này khi bàn về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương), Điều 5 dự thảo luật cần bổ sung nội dung "Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước sạch cho người dân; đầu tư hệ thống cấp nước sạch liên xã, liên huyện, liên tỉnh và hệ thống cấp nước sạch cho toàn vùng; quy định phạm vi trách nhiệm bảo vệ công trình cấp nước cho cộng đồng".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng nêu một thực tế là quy định hiện hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã bộc lộ hạn chế. Cụ thể, việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại, mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân đang sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để sử dụng

Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị cần thống nhất một đầu mối quản lý công trình cấp nước sạch cho người dân.

Xây dựng luật chuyên ngành: Giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề nước sinh hoạt- Ảnh 2.

Kiểm tra hệ thống cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Cần quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước đô thị

Cấp nước là một trong những dịch vụ công thiết yếu với cộng đồng nhưng có một thực tế là đến nay ngành nước vẫn chưa có cơ chế chính sách toàn diện, phù hợp để quản lý và hỗ trợ hoạt động cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng dự án Luật Cấp thoát nước.

Đây là lần đầu tiên, lĩnh vực cấp thoát nước được nghiên cứu xây dựng công cụ pháp lý cấp luật chuyên ngành. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua đưa dự án Luật Cấp thoát nước vào chương trình xây dựng chính sách, pháp luật trước năm 2025.

Bộ Xây dựng cho biết, mục đích xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành.

Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước với 4 chính sách cơ bản, một trong số đó là nâng cao chất lượng dịch vụ và đổi mới mô hình quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước. Mục tiêu của chính sách nhằm lựa chọn chủ đầu tư, đơn vị cấp, thoát nước đáp ứng năng lực tài chính, kỹ thuật trong đầu tư, vận hành công trình; quản lý vận hành công trình cấp, thoát nước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế. Từ chính sách này, vấn đề bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho người dân sẽ có quy định cụ thể hơn.

Dự kiến Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước trong năm 2023, trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật tháng 5/2024.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về dự thảo Luật Cấp, thoát nước, ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho rằng, để phù hợp điều kiện ngành cấp, thoát nước, chúng ta phải có quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước cho tất cả các đô thị, việc này cần phải được cụ thể hóa vào trong luật. "Khi có quy hoạch chuyên ngành thì mới xác định được vị trí nhà máy, vị trí nguồn nước và vị trí tuyến ống. Từ quy hoạch chuyên ngành tiến tới phân vùng quản lý cho từng đơn vị cấp, thoát nước, từ đó tránh được việc 1 vùng, 1 khu vực có tới 2 đơn vị cấp, thoát nước sẽ dẫn tới chồng chéo", ông Hồ Minh Nam phân tích.

Đối với đơn vị được giao cấp, thoát nước tại vùng nào thì phải xây dựng được kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống, hạ tầng cấp, thoát nước theo quy hoạch vùng. Đặc biệt, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cấp, thoát nước an toàn và trình chính quyền địa phương rồi sau đó mới được thực hiện hoạt động đầu tư, xây dựng dự án cấp, thoát nước, việc này cũng phải được cụ thể hóa trong luật. Có như vậy, việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân mới được bảo đảm.

Ngoài ra, theo ông Hồ Minh Nam cần phải miễn tiền thuê đất cho đơn vị hoạt động cấp thoát nước, cho phép điều chỉnh giá nước 3 năm 1 lần thì mới thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước.

Thực tế cho thấy, việc bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, phòng tránh các dịch bệnh do nước gây ra chưa có các quy định cụ thể và chế tài xử lý khi vi phạm; cuộc sống và sức khỏe của con người vẫn chưa được pháp luật bảo vệ bởi chưa có Luật về cấp, thoát nước.

Trước thực tế này, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật bày tỏ quan điểm: hiện nay, nhiều ngành, lĩnh vực đã có luật điều chỉnh như Luật Giá, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Điện lực… trong khi vấn đề cấp, thoát nước liên quan đến toàn xã hội, từ người dân, đến doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức đều được thụ hưởng thì lại chưa có luật riêng. Do vậy, nếu sớm ban hành Luật thì nhiều tồn tại, vướng mắc, khó khăn của ngành sẽ sớm được tháo gỡ, hóa giải.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, theo TS Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam, thời gian qua, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về cấp nước khu vực đô thị và nông thôn, còn về nguồn nước lại do nhiều bộ quản lý. Bên cạnh đó, chất lượng một số đồ án quy hoạch cấp nước còn hạn chế, những vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước cũng chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu cơ chế chính sách thống nhất. Luật Quy hoạch cũng không quy định việc lập quy hoạch cấp nước vùng tỉnh, vùng liên nên gây khó khăn khi lập các dự án.

Ông Trần Anh Tuấn thông tin, xét riêng về Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh, liên tỉnh và quy hoạch cấp nước đô thị thì cả nước mới có 2 quy hoạch cấp nước cho các vùng kinh tế đã lập và phê duyệt. Vì vậy, việc xây dựng luật chuyên ngành cấp thoát nước là một nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu đột phá phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quan điểm "Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị" (NQ số 06-NQ/TW).

Nhóm PV