Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 5/8, tại TPHCM, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Luật, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 129 bổ sung Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào chương trình trình xây dựng luật năm 2024.
Bộ Tài chính với nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật đã lấy ý kiến rộng rãi tất cả các cơ quan, bộ, ngành, các đối tượng. Ông Minh khẳng định đây là dự thảo xây dựng chi tiết, bám sát mục tiêu, yêu cầu với 6 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất và được Quốc hội thông qua vào ngày 8/6/2024.
Với bố cục gồm 9 chương, 92 điều, dự thảo Luật này thay đổi căn bản, toàn diện, xác định cách đi và đường đi tương đối khác so với trước, trong đó xác định doanh nghiệp Nhà nước cũng là một nhà đầu tư tại các doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác hoạt động ở trong nước và quốc tế.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh, mục tiêu là xây dựng luật để tháo gỡ cho các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động lành mạnh và phát triển.
Xem xét lại vấn đề tiền lương
Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), dự thảo Luật này có những bước thay đổi khi đi vào các nội dung về sản xuất kinh doanh và quản lý Nhà nước.
"Về vấn đề nhân sự, ở Điều 13, dự thảo Luật quy định chức danh Tổng Giám đốc do HĐTV bổ nhiệm nhưng xuống Điều 51 điểm d khoản 1 thì lại nói rằng chủ sở hữu có thẩm quyền có ý kiến chấp thuận theo đề nghị của HĐTV về chức danh đó", bà Trang dẫn chứng và cho rằng Ban soạn thảo cần lưu ý để thống nhất.
Còn về tiền lương, trong dự thảo quy định tiền lương, tiền thưởng của chủ tịch HĐTV và thành viên HĐTV là lợi nhuận sau thuế. Bà Trang cho rằng cần xem lại điều này để phù hợp với các quy định về Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp.
"Đã gọi là lương thì người ta gọi là hao phí lao động, mà đã là hao phí lao động thì phải vào chi phí chứ không thể nào vào lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế người ta gọi là thù lao và tiền thưởng chứ không thế nào có tính chất tiền lương", theo Tổng Giám đốc HFIC.
Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, theo Luật Thuế và Luật Doanh nghiệp thì đây là khoản chi phí của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp Nhà nước mà kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả thì không có nguồn để trả lương cho những người quản lý. Hiện nay, đối với doanh nghiệp Nhà nước, không phải chỉ có người đại diện vốn, không phải chỉ có chủ tịch là người đại diện chủ sở hữu mà thậm chí những người điều hành như tổng giám đốc cũng do chủ sở hữu bổ nhiệm. Nếu tách ra như vậy thì cùng một vị trí do chủ sở hữu bổ nhiệm nhưng người thì hưởng lương từ giá thành còn người thì hưởng lương từ lợi nhuận, mà doanh nghiệp không có lợi nhuận thì người được hưởng từ lợi nhuận sẽ rất khó khăn và trong quản lý doanh nghiệp sẽ tạo mâu thuẫn.
Đóng góp ý kiến, ông Võ Hữu Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp TPHCM nhận định, dự thảo luật lần này đổi mới căn bản toàn diện so với trước đây. Lần này, những yếu tố như quản lý về công nợ, huy động vốn, mua sắm tài sản cố định không xuất hiện, cho thấy ý đồ của ban soạn thảo là phân cấp, phân qyền nhiều cho doanh nghiệp trong quản lý và sử dụng vốn.
Về quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, ông Hạnh cho biết, theo quy định tại khoản 8 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, UBND tỉnh có quyền phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp dưới, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh.
Vì vậy, nhằm góp phần tăng cường tính chủ động, kịp thời, hiệu quả trong công tác thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ông Hạnh kiến nghị nghiên cứu, bổ sung quy định "phân cấp, ủy quyền" đối với một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của "cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là UBND cấp tỉnh" cho cơ quan chuyên môn, UBND cấp dưới trực tiếp (trên cơ sở quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương).
Còn về vấn đề chuyển giao đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hạnh cho biết, theo quy định khoản 2, Điều 38 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu, giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; không quy định việc chuyển giao công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp II) về cơ quan đại diện chủ sở hữu (UBND TPHCM).
Do đó, ông Hạnh yêu cầu nghiên cứu, bổ sung quy định về các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có nội dung chuyển giao không thanh toán trong trường hợp chuyển giao phần vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau khi chuyển giao thì hai doanh nghiệp này cùng một cơ quan đại diện chủ sở hữu).
Anh Thơ