Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại 10 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang.
Ngoài ra có 2 tỉnh (Yên Bái và Long An) cũng chủ động đề nghị tham gia thực hiện thí điểm hợp nhất. Trên thực tế, thành phố Hồ Chí Minh chỉ thực hiện hợp nhất 2 Văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ tại Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trong đó quy định chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 và thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoàn thành trước ngày 1/7/2021.
Tại phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu và các cơ quan hữu quan khác khẩn trương soạn thảo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Để kịp thời hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết vào phiên họp sắp tới, trong điều kiện thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19, Văn phòng Quốc hội, Ban soạn thảo Nghị quyết tổ chức Hội nghị trực tuyến xin ý kiến vào dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết với sự tham dự của đại diện các cơ quan hữu quan của Trung ương và địa phương của 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là một trong những Nghị quyết có tầm ảnh hưởng rộng đến hoạt động của cơ quan dân cử và chính quyền địa phương cấp tỉnh trong cả nước và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, công chức công tác tại các cơ quan này ở nhiều địa phương trong thời gian qua.
Ngoài việc để ổn định tổ chức bộ máy của cơ quan giúp việc cho Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì việc ban hành Nghị quyết còn liên quan đến việc phân bổ ngân sách năm 2021 cho địa phương sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Bày tỏ hy vọng và tin tưởng hội nghị sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến quý báu từ thực tiễn của các đại biểu đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, tham gia phát biểu, trao đổi và thảo luận làm rõ các vấn đề về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng chung; cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng chung; phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của Văn phòng chung; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Văn phòng chung (trụ sở, kinh phí hoạt động); chế độ, chính sách đối với công chức. Đồng thời, dự kiến những tác động của dự thảo Nghị quyết này đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết trong quá trình thực hiện hợp nhất ở địa phương; những nội dung cần phải tập trung hướng dẫn thực hiện sau khi ban hành Nghị quyết.
Trình bày Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc thành lập Văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của văn phòng trước đây và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; vừa phải đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung, vừa phải đảm bảo thực hiện chức năng riêng của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự thảo nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm có các mảng công việc: nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và nhiệm vụ phục vụ hoạt động chung của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Về cơ cấu, tổ chức của Văn phòng chung, dự thảo quy định lãnh đạo Văn phòng: Có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Về số lượng phòng, đề xuất theo 2 phương án.
Theo đó, Phương án 1: Quy định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có 3 phòng: Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc thì có thể bố trí thêm 1 phòng, chức năng, nhiệm vụ, tên phòng do địa phương quyết định.
Phương án 2: Căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng phòng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, số lượng Phó Trưởng phòng của các phòng đảm bảo đúng quy định.
Về kinh phí hoạt động, dự thảo Nghị quyết đang xây dựng theo hướng: Kinh phí hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội vẫn do Văn phòng Quốc hội đảm bảo còn kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nằm trong kinh phí của địa phương. Chánh Văn phòng là chủ tài khoản của 2 nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương. Văn phòng Quốc hội chỉ phê duyệt phần kinh phí do Quốc hội đảm bảo.
Về hiệu lực thi hành, dự thảo Nghị quyết đang dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để thuận tiện và kịp thời trong việc triển khai, tổ chức thực hiện.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với việc sớm ban hành Nghị quyết về thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết đồng thời đề nghị rà soát nhiều nội dung cụ thể để đảm bảo kết cấu chặt chẽ và thống nhất.
Các đại biểu tán thành với việc quy định số lượng lãnh đạo của Văn phòng chung gồm 1 Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng song cũng đề nghị không quy định nhiệm vụ cụ thể của các Phó Chánh Văn phòng trong Nghị quyết mà nên để cho Chánh Văn phòng quyết định theo cơ cấu tổ chức thực tế và tình hình của địa phương.
Về các phòng chuyên môn, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với phương án 1. Tuy nhiên ngoài 3 phòng về công tác Quốc hội, về công tác Hội đồng nhân dân, về Hành chính - Tổ chức - Quản trị thì một số đại biểu đề nghị quy định trong Nghị quyết phòng về thông tin tuyên tuyền, có đại biểu đề nghị là phòng về công tác dân nguyện, cũng lại có đại biểu đề nghị giao địa phương quyết định tùy nhu cầu thực tế.
Phần lớn các ý kiến đại biểu phát biểu tại hội nghị đề nghị tách biệt biên chế đại biểu chuyên trách với biên chế của Văn phòng chung để bảo đảm cho công tác bố trí cán bộ, bảo đảm điều kiện hoạt động cũng như gắn với chế độ thi đua, khen thưởng, quản lý.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng lưu ý chế độ quản lý sử dụng đối với kinh phí hoạt động của Văn phòng chung này bởi kinh phí hoạt động của Văn phòng hình thành từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn ngân sách địa phương, nguồn ngân sách trung ương, vai trò của Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc cho ý kiến với việc dự toán, sử dụng ngân sách cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ở địa phương. Các đại biểu đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý đến thời hiệu có hiệu lực của Nghị quyết nhất là tại các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất các văn phòng đề nghị sớm có hiệu lực thi hành.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng ban soạn thảo Nghị quyết tổng hợp, tiếp thu và báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận các ý kiến của các đại biểu góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu để có văn bản góp ý để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và ban hành văn bản phù hợp với thực tiễn và có giá trị pháp lý lâu dài./