• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Xây dựng Sổ tay hướng dẫn thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng

(Chinhphu.vn) – Sáng 30/8, tại Hà Nội, Tổng Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến hoàn thiện dự thảo Sổ tay hướng dẫn thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.

30/08/2024 13:18
Xây dựng Sổ tay hướng dẫn thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng- Ảnh 1.

Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế sẽ làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh PCTN, tạo tâm lý coi thường pháp luật, làm cho dư luận bất bình - Ảnh: VGP/LS

Chưa thu hồi được tài sản tham nhũng mới đạt một nửa yêu cầu chống tham nhũng

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Trần Thị Phương Hoa cho rằng: Tham nhũng là một thách thức mang tính toàn cầu, việc Việt Nam tham gia Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) là chủ trương đúng đắn, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công ước UNCAC quy định các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thu hồi mọi tài sản, phương tiện, công cụ có được hoặc có liên quan đến tội phạm tham nhũng là mục đích quan trọng và là nguyên tắc cơ bản của Công ước.

Hiện nay, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến thu hồi tài sản, đồng thời là cơ quan đầu mối thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự theo khuôn khổ của Công ước UNCAC. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa, nếu tài sản trong các vụ án này không thu hồi được thì mục đích của việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mới chỉ buộc người phạm tội phải chịu hình phạt mà chưa buộc họ nộp lại những tài sản đã chiếm đoạt hoặc gây thất thoát, lãng phí. Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế sẽ làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo tâm lý coi thường pháp luật, làm cho dư luận bất bình.

Thực hiện chủ trương, quyết tâm của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, các cơ quan THADS theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức thi hành án, thu hồi được một tỉ lệ không nhỏ tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giá trị tài sản còn phải thu hồi lớn. Nguyên nhân đồng thời cũng là khó khăn, vướng mắc như: Số lượng, khối lượng tài sản phải xử lý rất lớn; tính pháp lý của tài sản kê biên phức tạp; các tranh chấp về tài sản chưa được giải quyết dứt điểm; một số vụ việc gần đây có số lượng đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đặc biệt lớn, ở nhiều địa phương khác nhau, đơn cử như: vụ Công ty Alibaba (4.548 người được thi hành án), vụ Tân Hoàng Minh (6.630 người được thi hành án), vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 (trên 36.000 người)...

Trong khi đó, nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan THADS còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hiện nay, nhất là nguồn nhân lực và kinh phí để tổ chức thi hành án. Do đó đòi hỏi đội ngũ Chấp hành viên phải nắm chắc các kiến thức, quy định của pháp luật và kỹ năng xử lý các vụ việc để bảo đảm thu hồi kịp thời, tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.

"Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ cho Chấp hành viên và những người làm công tác THADS trong việc tổ chức thi hành án các vụ việc này", Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Xây dựng Sổ tay hướng dẫn thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng- Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/LS

‘Cẩm nang’ cho công chức thi hành án dân sự

Theo Ban tổ chức, với vai trò là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự, Tổng cục THADS đã phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng Sổ tay hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (Sổ tay).

Theo đó, mục đích xây dựng Sổ tay là nhằm hướng dẫn về quy trình, thủ tục THADS trong các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và các lưu ý trong quá trình xử lý vụ việc.

Sổ tay này chính là cẩm nang có quan trọng đối với mỗi công chức THADS và kết quả thu hồi tài sản bởi có tác động đến việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, người làm công tác THADS nhận biết vai trò quan trọng của công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong bối cảnh yêu cầu của công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói riêng và yêu cầu của UNCAC nói chung và nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan THADS.

Cụ thể, đây là tài liệu được dùng để tham khảo cho các công chức là Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký THADS, những người làm công tác THADS; các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu lập pháp; các cơ sở đào tạo; các cán bộ của các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện và nghiên cứu, tìm hiểu về hoạt động THADS. Tài liệu cũng có thể được sử dụng với mục đích tham khảo phục vụ đào tạo bậc đại học và sau đại học…

Xây dựng Sổ tay hướng dẫn thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2: cơ quan THADS tham gia cùng các cơ quan tố tụng ngay từ đầu vụ án để thu hồi kịp thời, thu hồi tối đa tài sản bị tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế - Ảnh: VGP/LS

Tội phạm tham nhũng thường chuyển hóa, tẩu tán tài sản, tiêu huy chứng cứ

Bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 (Tổng cục Thi hành án dân sự) cho biết: THADS là "mắt xích" quan trọng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là khâu cuối cùng của thực thi công lý, bảo đảm các phán quyết của Tòa án phải được thực hiện nghiêm minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, để bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, ngày từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì các biện pháp kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản đã được cơ quan điều tra, truy tố, xét xử áp dụng để bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên, xuất phát từ tội phạm tham nhũng được xếp vào nhóm tội phạm có "xu hướng ẩn" cao và chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, hiểu biết nên trước khi thực hiện hành vi phạm tội đã có những biện pháp xóa dấu vết, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tài sản có được do tham nhũng.

Vì vậy, quá trình xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa hoặc tuyên bị xử lý trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đòi hỏi những đặc thù, tránh việc lợi dụng các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án chung để người phạm tội có cơ hội tiếp tục tẩu tán tài sản.

"Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản, Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cũng yêu cầu cơ quan THADS tham gia cùng các cơ quan tố tụng ngay từ đầu để thu hồi kịp thời, thu hồi tối đa tài sản bị tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế", bà Giang nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình nhìn nhận: Việc xây dựng sổ tay này rất cần thiết cho cán bộ, công chức THADS trong việc tổ chức THADS đúng đắn, triệt để, tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

"Đây cũng chính là cẩm nang cho mỗi cán bộ THADS, có thể mang theo trong quá trình tổ chức THADS trong thực tiễn công tác thu hồi tài sản mà mỗi Chấp hành viên, cán bộ thi hành án đang thực hiện bởi đây là việc khó trong quá trình tố tụng, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đã bị các đối tượng phạm tội chuyển hóa thành các tài sản khác, có khi đã chuyển hóa để bán cho bên thứ ba ngay tình…", ông Dũng phân tích.

Lê Sơn