Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là một trong những dự án trọng điểm được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quan tâm, liên tục đôn đốc, chỉ đạo, giám sát.
Hệ thống này nằm trong chương trình triển khai ETC trên 4 tuyến cao tốc huyết mạch do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tính đến trước ngày 20/7, cả nước đã thực hiện lắp đặt tổng số 588 làn ETC trong thời gian 7 năm (kể từ năm 2015). Trong đó, dự án ETC 4 tuyến cao tốc của VEC có quy mô lắp đặt 132 làn ETC, trên 28 trạm thu phí, trải dài 490 km của 4 tuyến cao tốc ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ 1/8 triển khai thu phí tự động hoàn toàn trên các tuyến cao tốc. Để thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh công tác chỉ đạo, giám sát, VEC đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, giải quyết kịp thời các nút thắt lớn của dự án như mặt bằng thi công, phân làn, phân luồng nhằm giải toả các khó khăn trong công tác triển khai của nhà thầu.
Đến sáng ngày 20/7, Tasco và VETC hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, vượt tiến độ 10 ngày so với cam kết, đưa vào vận hành 13 làn ETC mới, nâng tổng số lên 28 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Vực Vòng, Liêm Tuyền và Cao Bồ.
Hệ thống ETC trong dự án áp dụng công nghệ RFID được Bộ GTVT chấp thuận và phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới. Trong những ngày đầu vận hành, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ghi nhận những kết quả rất tích cực. Các phương tiện lưu thông qua làn ETC thuận lợi, nhanh chóng, thời gian qua trạm trung bình từ 6-12 giây/lượt/làn ETC.
Việc đưa hệ thống thu phí ETC cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giao thông cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích cho phương tiện lưu thông, đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước.
Sau Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tasco và VETC tiếp tục triển khai lắp đặt để đưa hệ thống ETC của các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào sử dụng, kế hoạch tương ứng vào các ngày 26/7, 28/7 và 28/7 đáp ứng cam kết với chủ đầu tư.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Ứng dụng công nghệ thu phí tự động tạo sự công khai, minh bạch trong thu phí; là vấn đề được người dân quan tâm, ủng hộ. Thu phí ETC tiết kiệm được thời gian, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Trên cả nước có 129 trạm BOT thì 113 trạm áp dụng thu phí ETC, các trạm còn lại do có tính chất đặc thù nên được Chính phủ đồng ý không lắp đặt thu phí ETC. Riêng VEC có 140 làn thu phí ETC, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên tiến độ bị chậm. Đến năm 2021, VEC mới xác định được nguồn vốn, tháng 7/2022 mới triển khai thu phí trên 4 tuyến cao tốc, cam kết với Chính phủ là hoàn thành lắp đặt các trạm thu phí ETC trước ngày 1/8.
Để hoạt động thu phí được thuận lợi cần có sự phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ. Hiện có 2 nhà cung cấp dịch vụ ETC, 2 hệ thống khác nhau nhưng được kết nối liên thông, đảm bảo thông suốt. Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những trục trặc kỹ thuật, vì vậy, lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý các đơn vị phải luôn luôn theo dõi, quản lý chặt chẽ và xử lý kịp thời.
Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT trên toàn quốc tăng cường hỗ trợ trong tổ chức giao thông, hạn chế tối đa nguy cơ ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian đầu vận hành các trạm thu phí ETC.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, anh Trần Nguyễn Duy (lái xe hợp đồng, Hà Nội) cho biết: Tuyến Cầu Giẽ- Ninh Bình là tuyến đường anh thường xuyên đi qua từ nhiều năm nay và đây cũng là tuyến đường có lưu lượng xe rất lớn nên đôi lúc có xảy ra ùn ứ.
"Từ lúc biết tuyến Cầu Giẽ- Ninh Bình cũng áp dụng thu phí không dừng như bên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng tôi đã dán thẻ, nạp tiền sẵn sàng để lưu thông được nhanh hơn. Nhất là mùa nắng nóng đi qua trạm thu phí không cần mở cửa xe trả tiền cũng đỡ hơn nhiều", anh Trần Nguyễn Duy cho hay.
Phan Trang