• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Xếp hạng đại học: Cần biết mình, biết người

(Chinhphu.vn) - Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ trường đại học (ĐH) nào khi tham gia các bảng xếp hạng là để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thúc đẩy hội nhập với giáo dục thế giới.

10/05/2019 16:24

Tạp chí Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng (BXH) 417 trường ĐH khu vực châu Á năm 2019 nhưng không có đại diện nào của Việt Nam, Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Thưa GS, tạp chí Times Higher Education (THE) vừa công bố BXH 417 trường ĐH khu vực châu Á năm 2019. Dù có khá nhiều trường của khu vực ASEAN lọt vào danh sách này nhưng không có đại diện nào của Việt Nam, GS nghĩ sao khi Việt Nam không có tên trong danh sách này? 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Xếp hạng ĐH đã trở thành tất yếu và yêu cầu khách quan trong việc đánh giá năng lực và chất lượng đào tạo, nghiên cứu của một trường ĐH. Ngày nay, xếp hạng ĐH đã được xem như một trong những tiêu chí đánh giá, bộ mặt của nền giáo dục ĐH của nhiều quốc gia. 

Trên thế giới hiện nay có nhiều bảng xếp hạng ĐH, nhưng phổ biến nhất và có uy tín, có tính toàn cầu có thể kẻ ra là ARWU (của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải), THE, QS World...

(THE) là tạp chí về tin tức và các vấn đề giáo dục đại học, có trụ sở ở London, Anh. Tạp chí nổi tiếng nhờ công bố bảng xếp hạng đại học thế giới hàng năm THE – QS, bắt đầu từ năm 2004. 

Năm 2009, THE ngừng hợp tác với QS (tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds – Anh) và đưa ra bảng xếp hạng THE. Đây là một BXH rất có uy tín. Hệ thống xếp hạng THE dựa trên 3 tiêu chí: Chất lượng nghiên cứu, chất lượng giảng dạy và mức độ quốc tế hóa với 13 chỉ số đánh giá. Các thông số và dữ liệu được tập đoàn Thomson Reuters thu thập phân tích và 50 chuyên gia hàng đầu của 15 quốc gia cùng đưa ra bảng xếp hạng. 

Trong các tiêu chí xếp hạng của THE thì tổng trọng số danh tiếng trong đào tạo và nghiên cứu chiếm 25%, trích dẫn từ các công bố khoa học chiếm 30%, tổng thu nhập từ đào tạo, nghiên cứu và hợp đồng thu hút từ công nghiệp và các doanh nghiệp là 17,5%. 

Với các tiêu chí như trên, thì rất rõ ràng là việc chúng ta chưa có trường ĐH nào lọt vào bảng xếp hạng THE là dễ hiểu. 

Xin GS phân tích kỹ hơn về tiêu chí đánh giá bảng xếp hạng này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Năm 2019, phương pháp đánh giá để xếp hạng của THE như sau. Tiêu chí giảng dạy chiếm 25% (trước đây giảng dạy chiếm 30%). Trong đó chỉ số như danh tiếng của giảng viên (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (4,5%), tỷ lệ tiến sĩ/cử nhân (2,25%), tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên (6%), thu nhập (2,25%).

Tiêu chí nghiên cứu chiếm trọng số 30%. Trong đó, danh tiếng về nghiên cứu khoa học chiếm 15%, thu nhập từ nghiên cứu chiếm 7,5%, năng suất nghiên cứu chiếm 7,5%.

Dành trọng số 30% cho trích dẫn khoa học, THE xem xét vai trò của ĐH trong việc truyền bá tri thức và ý tưởng mới. Mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu được kiểm tra bằng cách thu thập số lần tác phẩm của một ĐH được trích dẫn bởi học giả toàn cầu. Các trích dẫn giúp mọi người biết được mỗi trường ĐH đóng góp bao nhiêu cho tổng thể tri thức nhân loại. 

Tiêu chí về hợp tác quốc tế chiếm trọng số 7,5%, bao gồm tỷ lệ sinh viên quốc tế/sinh viên trong nước (2,5%), tỷ lệ giảng viên quốc tế/giảng viên trong nước (2,5%), hợp tác quốc tế (2,5%). Khả năng thu hút được sinh viên ĐH, sau ĐH và giảng viên từ khắp nơi trên thế giới là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc củng cố vị thế quốc tế của trường đại học.

Năm nay, tiêu chí thu nhập từ chuyển giao tri thức cho công nghiệp được chiếm tới 7,5% (trước đây một số năm, trọng số này chỉ khoảng 2,5%). Đây được xem là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của một cơ sở giáo dục ĐH trong bối cảnh hiện nay. Tôi cho rằng đây chính là thách thức lớn của xếp hạng THE với các trường ĐH Việt Nam và là lý do đến nay chúng ta chưa có trường ĐH nào lọt vào bảng xếp hạng THE.

Từ các phân tích trên, xin GS cho biết quan điểm của mình khi có ý kiến cho rằng phải tham gia những bảng xếp hạng như THE thì các trường ĐH mới thể hiện được uy tín và chất lượng?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Tiêu chí, tỷ trọng các tiêu chí mà các ĐH Việt Nam đang phấn đấu hiện dựa trên bảng xếp hạng QS khác với các tiêu chí của bảng xép hạng THE. Chúng ta không nên so sánh các bảng xếp hạng khác nhau rồi kết luận rằng không có tên trên bảng xếp hạng này, kia là kém. 

Mục tiêu cuối cùng khi chúng ta hay bất kỳ trường ĐH nào khi tham gia các bảng xếp hạng là để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thúc đẩy hội nhập với giáo dục thế giới. Để thực hiện mục tiêu bền vững, chúng ta cần xác định lại vị trí, năng lực điều kiện kinh tế xã hội, giáo dục và đặt trong bối cảnh lịch sử của đất nước, khu vực để xác định mục tiêu, lộ trình phù hợp. 

Giáo dục ĐH Việt Nam đang ra biển lớn và đã đạt được những thành tựu nhất định mà quốc tế đã công nhận. Chọn sân chơi phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia cũng là một yếu tố quan trọng để quyết định thành công. Nếu không sẽ bị "đẽo cày giữa đường". 

Vậy 2 trường ĐH của Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới và nhiều trường khác lọt top 450-500 bảng xếp hạng của tổ chức QS có ý nghĩa như thế nào thưa GS?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Hệ thống xếp hạng QS World tập trung vào 4 khía cạnh: Chất lượng nghiên cứu, chất lượng giảng dạy, chất lượng sinh viên và khả năng quốc tế hóa của nhà trường. Các tiêu chí và trọng số của bảng xếp hạng QS dựa vào đánh giá bên ngoài và cả bên trong trường ĐH, bao gồm kết quả khảo sát đánh giá đồng cấp, khảo sát nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, số lượng bài báo được trích dẫn và số lượng giảng viên, sinh viên quốc tế.

Cũng tương tự THE, xếp hạng QS đánh giá theo tiêu chí cứng và cả tiêu chí mềm. Tiêu chí cứng chiếm 66,67%, tiêu chí mềm chiếm 33,33%.Cách thu thập dữ liệu của QS World cũng dựa vào 3 cách: Khảo sát xã hội học; cơ sở dữ liệu của bên thứ 3 và do chính các trường cung cấp. Trong bảng xếp hạng QS, các trường cung cấp dữ liệu cho các tiêu chí chiếm đến hơn 50%. 

Trên thực tế hiện nay, đã có một số trường ĐH của các nước châu Á tham gia vào hệ thống xếp hạng này và đã lọt vào top 500 trường hàng đầu của bảng xếp hạng QS World như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… và 2 ĐH Quốc gia của Việt Nam đã lọt vào top 1.000 trường đại học hàng đầu trong bảng xếp hạng này vào năm 2018. Việc tham gia xếp hạng QS của các trường ĐH Việt Nam là hoàn toàn khả thi. 

Bên cạnh xếp hạng QS World còn có xếp hạng QS Châu Á,  xếp hạng đại học dựa vào 9 tiêu chí sau: Uy tín học thuật 30%, uy tín các trường thông qua nhà tuyển dụng 10%, tỷ lệ giảng viên/sinh viên 20%, trích dẫn bài báo khoa học 15%, số lượng bài báo khoa học trên mỗi giảng viên 15%, tỷ lệ giảng viên quốc tế 2,5%, tỷ lệ sinh viên trao đổi trong nước 2,5%, tỷ lệ sinh viên ra nước ngoài 2,5%.

Như vậy, trong các bảng xếp hạng ĐH thì xếp hạng theo QS Châu Á là phù hợp và dễ đạt được nhất với các trường ĐH Việt Nam.

Theo tôi, chúng ta nên tiếp cận từng bước, có thứ hạng cao hơn trong QS Châu Á thì mới nên tiếp tục nghĩ đến các bảng xếp hạng có tính toàn cầu như ARWU (của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải), THE, QS World. Những năm trước đây, trước khi lọt vào top 1000 đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS World, 2 ĐH Quốc gia cũng đã từng có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng QS Châu Á.

Các chuyên gia đều có chung nhận định các tiêu chí đánh giá của THE Ranking hầu hết lại là điểm yếu của tất cả các ĐH ở Việt Nam, hoặc phần lớn là đang ở mức yếu so với các trường trong khu vực và trên thế giới. Xin  GS cho biết ý kiến của mình về nhận định này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Đúng vậy, các tiêu chí và cách xếp hạng của THE là thách thức lớn với các trường ĐH Việt Nam.

Từ thực tiễn cho thấy các trường ĐH xếp hạng cao thường rơi vào các nước phát triển. Để có thứ hạng cao trong xếp hạng THE, các trường ĐH phải có uy tín và chất lượng cao trong đào tạo, nghiên cứu. Nhà trường phải có nhiều kết quả nghiên cứu xuất sắc và có tầm ảnh hưởng, phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nghiên cứu cái mà doanh nghiệp cần để tăng năng suất và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cải thiện chỉ số xếp hạng ĐH theo THE không đơn giản chỉ là nhiệm vụ và nỗ lực của trường ĐH, mà còn mang hơi thở, phản ánh và chịu sự tác động lớn của sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 

Tôi muốn nhấn mạnh là cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại cơ hội cho mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan tổ chức, ở mọi nơi mọi lúc. Hoạt động nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo cũng không còn ranh giới, không còn khoảng cách về không gian và thời gian. Thu hút nhân tài, chia sẻ giáo dục ĐH đang trở thành xu thế và phương thức chia sẻ, huy động nguồn lực và nắm bắt cơ hội. Vì vậy, các trường ĐH Việt Nam có thể tận dụng thời cơ này để nhanh chóng cải thiện các chỉ số xếp hạng quan trọng nêu trên. 

THE rất coi trọng kết quả nghiên cứu. Công bố, trích dẫn và chuyển giao tri thức chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi hiện nay công bố quốc tế của các trường ĐH Việt Nam còn rất khiêm tốn. Chúng ta cũng mới chỉ có hơn 10 cơ sở giáo dục ĐH được lọt vào bảng xếp hạng nghiên cứu SCImago. Tuy nhiên, con số này đang tăng nhanh trong thời gian gần đây do nỗ lực của chính các trường ĐH cùng với nhiều chủ trương hỗ trợ khuyến khích của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh khởi nghiệp và ứng dụng cách mạng 4.0. Vì thế, tôi cho rằng xếp hạng theo THE của đa số các trường ĐH Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.

Theo GS, để Việt Nam có tên trong danh sách bảng xếp hạng 400 này của The Ranking thì phải thay đổi như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Trước hết phải thay đổi trong nhận thức, đầu tư tâm huyết và công sức.

Phương pháp xếp hạng của THE chú trọng đến các tiêu chí cứng và mềm. Những tiêu chí phản ánh của bên thứ 3 với trường ĐH được coi là tiêu chí mềm và chỉ chiếm 15,38%, còn lại 84,62% là các tiêu chí cứng. 

THE thu thập dữ liệu theo 3 cách: Điều tra, khảo sát xã hội học; cơ sở dữ liệu của bên thứ 3 và dữ liệu do chính trường ĐH cung cấp. Trong năm 2011, dữ liệu do các trường cung cấp chiếm tới 61,54% tổng các dữ liệu phục vụ việc đánh giá xếp hạng của THE.  Do vậy, tự các trường ĐH cung cấp số liệu cho việc xếp hạng là yếu tố tối quan trọng.

Về mặt kỹ thuật, xếp hạng THE đánh giá theo các chỉ số, trọng số, tiêu chí. Vì vậy, các trường ĐH Việt Nam cần nghiên cứu để điều chỉnh các hoạt động của mình theo 13 tiêu chí của THE, tác động đến sự thay đổi chỉ số và trọng số của từng tiêu chí để đạt được vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng. 

Do vậy, các trường ĐH Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia xếp hạng THE trong tương lai khi nghiên cứu kỹ bảng xếp hạng này, đầu tư duy trì và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu của nhà trường, cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu cho các phiếu khảo sát và có đội ngũ chuyên gia am hiểu về xếp hạng THE, có năng lực và khả năng phân tích trả lời các câu hỏi điều tra khảo sát của tổ chức xếp hạng.

Hiện nay đã có một số trường đại học Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho sự tham gia bảng xếp hạng này.

                                          Nhật Nam (thực hiện)