Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trong cuốn sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của André Masson, một viên chức Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương có viết: “Khi các đường phố (Hà Nội) có thể đi lại được, đầu năm 1884, Trú sứ là Bonnal cho nhập từ Nhật Bản 2 chiếc xe “djinn rickshaws” (sau này được gọi phổ biến là pousse-pousse) trong đó một chiếc dành cho Tổng đốc để sao chép lại".
Sau đó, một nhà thầu Pháp đã thuê những người thợ đất Hà thành dựa vào chiếc xe kéo này chế tác ra khoảng 50 chiếc xe kéo tương tự cho cả miền Bắc. Từ đó chiếc xe kéo đã dần dần trở nên quen thuộc trong các đường phố Hà Nội. Nó xuất hiện 1 năm sau chiếc xe hơi châu Âu đầu tiên và 1 năm trước xe tramway kéo bằng ngựa trên phố phường Hà Nội.
Ban đầu, xe kéo được các nhân viên Pháp và quan lớn của Hà Nội mua và sử dụng. Càng về sau, nó trở thành biểu tượng cho sự giàu sang của các thương gia Hà thành. Mỗi người sắm xe kéo đều có một người chuyên kéo xe gọi là “culi” và đôi khi còn thêm 2 người khác đẩy. Nếu là quan lớn thì thường có người trẻ đi bên cạnh người phu kéo, tay cầm ống thuốc lào hoặc một khay trầu nếu người ngồi trên xe là phụ nữ. Theo thời gian, chiếc xe kéo được cải tiến về cấu tạo như: bánh xe được bọc vỏ cao su, đặt lò xo giữa bánh xe và ghế ngồi, trang trí thêm cho sang trọng ...
Xe kéo ra đời làm thay đổi hẳn tư duy đi lại của người dân kẻ chợ. Trước đó người dân Việt Nam chủ yếu di chuyển bằng thuyền bè trên sông; còn trên bộ, chủ yếu là cưỡi ngựa hay di chuyển bằng kiệu, võng. Tuy nhiên, đó là dành cho các quan, quý tộc hay người giàu, còn đại đa số nhân dân đều di chuyển bằng … đôi chân của mình.
Nhiều năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần đầu tiên xuất hiện trong trung tâm thành phố xe đạp được nhập từ Saint Etienne, Pháp. Và chiếc xe đạp đã được gắn vào phía sau của chiếc xe kéo, thế là chiếc xe xích lô đã ra đời. Xe xích lô đã nối nghiệp xe kéo, đóng vai trò quan trọng trong cải tiến phương tiện đi lại trên các phố phường Hà Nội.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xích lô vẫn chưa nhiều. Trong thời tạm chiếm (1947-1954) loại xe này phát triển mạnh nhờ chiến tranh nên đô thị ngày một đông dân, trong khi Hà Nội chỉ có mấy tuyến xe điện từ trung tâm Bờ Hồ ra các cửa ô (xe ô tô đã phát triển nhưng chỉ giới hạn ở các gia đình khá giả. Xe taxi mới chỉ lác đác, phương tiện chủ yếu vẫn là xe đạp).
Tượng trưng cho một nền văn minh ngoại nhập, chiếc xe kéo chỉ tồn tại tới khi cách mạng thành công, chính quyền cách mạng đã cấm xe kéo tại thủ đô Hà Nội vì coi đó là hình thức người bóc lột người của dân thuộc địa. Đây được coi là giai đoạn kết thúc “số phận” của chiếc xe kéo sau hơn 60 năm xuất hiện trên đường phố Hà thành. Đến thời điểm này, xe xích lô mới thực sự lên ngôi và độc quyền dịch vụ giao thông công cộng.
Vốn là loại xe vận chuyển khách trong nội thị, đến thời cải tạo xã hội chủ nghĩa thì xích lô cũng bắt đầu vào làm ăn tập thể, hơn nữa quan niệm xã hội thay đổi khiến người ngồi trên xe cho người khác nai lưng đạp cũng gây cái cảm phiền như có người bóc lột và người bị bóc lột (cho dù có thanh toán sòng phẳng).
Chẳng bao lâu, xích lô đựơc chuyển thành phương tiện chủ yếu là để chở hàng. Do vậy, một mặt nó được thiết kế vững chãi hơn, bớt tiện nghi hơn, cái đệm được thay bằng tấm gỗ thô sơ nhưng chịu tải tốt, cái tay ngai bè ra để có thể chở được vật cồng kềnh, bớt đi mui che nắng và tấm ni lông chắn mưa, lại thêm hai cái móc gắn vào chỗ để chân của khách để khi cần có thể kéo xe vượt qua những địa hình khó...
![]() |
Xích lô thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu |
Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, xích lô trở thành phương tiện đắc lực phục vụ sản xuất và chiến đấu: chở hàng hoá tại những nơi ô tô không đi được; chở người đi sơ tán, chở thương binh đến nơi cấp cứu, chở các phương tiện chữa cháy, chở đạn dược, khí tài ra trận địa ...
Xích lô có thể chở được tới hàng trăm kg hàng hóa. Chiếc xích lô đáng có vị trí trong bảo tàng Hà Nội thời chiến.
Thế rồi, từ khi Đổi mới, nhiều quan niệm được thay đổi, nhu cầu đời sống ngày một phong phú, người nước ngoài đến du lịch càng nhiều, xích lô lại có thêm chức năng dịch vụ thương mại phục vụ khách du lịch bên cạnh chức năng vận chuyển hàng hóa.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, toàn thành phố hiện có 5 công ty hoạt động vận chuyển bằng xe xích lô với 388 xe.
“Sans-Souci” là hãng xích lô lớn nhất tại Hà Nội hiện thời, với khoảng 160 chiếc hoạt động chuyên nghiệp.
Mỹ Hạnh (tổng hợp)