Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Học sinh trường Mầm non Việt Triều (Hà Nội) trong một giờ học |
Ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ chuyển các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang trường công lập. Trường mầm non bán công ở vùng còn lại chuyển sang trường dân lập, tư thục. Nếu địa phương nào chưa có hoặc chưa đủ trường mầm non công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục 5 tuổi sẽ chuyển đổi trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập.
Đối với giáo dục phổ thông, trường phổ thông bán công, dân lập (trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) chuyển sang trường tư thục.
Trường hợp địa phương chưa có đủ trường công lập để đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, có thể chuyển trường tiểu học, trung học cơ sở bán công sang trường tiểu học, trung học cơ sở công lập.
Nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường phải đảm bảo các hoạt động giáo dục của nhà trường ổn định và phát triển, không gây gián đoạn quá trình học tập của người học; tạo điều kiện tốt hơn cho người học ở các vùng miền, phù hợp với thu nhập của các tầng lớp nhân dân, các đối tượng người học...
Học sinh tiếp tục học ở trường tư thục và được duy trì mức học phí như đang học ở trường bán công, dân lập cho đến khi kết thúc học kỳ hiện thời. Mức học phí của học kỳ tiếp theo khi nhà trường đã thực hiện chuyển đổi do chủ nhà trường quyết định. Học sinh thuộc diện chính sách được đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định Nhà nước.
Cán bộ, công nhân viên của các trường bán công khi chuyển đổi loại hình trường sẽ vẫn hưởng mọi quyền lợi, chế độ theo quy định.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chuyển đổi nhằm đảm bảo đủ các trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với mẫu giáo 5 tuổi. Đồng thời, các trường mầm non dân lập, tư thục được mở để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học và tạo thêm sự đầu tư của xã hội cho giáo dục.
Mai Linh
(Nguồn: Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT)