Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
VỐN ĐẦU TƯ TOÀN XÃ HỘI QUÝ I/2013 - Đơn vị: Nghìn tỷ đồng |
Mặt thứ nhất là sự cố gắng trong việc thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế ở trong nước và nước ngoài, trong điều kiện trong nước thì đang phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; trên thế giới, nhiều nền kinh tế hoặc chưa hoàn toàn ra khỏi khủng hoảng nợ công, hoặc chưa hoàn toàn phục hồi tăng trưởng.
Mặt thứ hai, có sự chuyển đổi tư duy, không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, vẫn kiên định, nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không kích cầu đầu tư, tiêu dùng mà chủ yếu là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, bởi trong mục tiêu phải thực hiện có việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu tăng trưởng giảm sự lệ thuộc vào tăng lượng vốn đầu tư.
Mặt thứ ba, tính từ mục tiêu năm 2013 (với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 30%, với tốc độ tăng GDP là 5,5%, thì hệ số ICOR sẽ giảm mạnh từ 6,7 lần năm 2012 xuống 5,5 lần), nhưng với tiến độ trong quý I thì hệ số này vẫn còn lớn (gần 6,1 lần). Tất nhiên, hiệu quả đầu tư, hệ số ICOR thường tính cho thời gian dài, vì đầu tư thường có độ trễ của nó, nhưng nếu hiệu quả đầu tư chuyển biến còn chậm, thì tăng trưởng kinh tế vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào tăng vốn đầu tư.
So với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I năm nay đã tăng 5,5%. Đó là tính theo giá thực tế. Nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì vốn đầu tư toàn xã hội quý này đã bị giảm.
Xét về mặt này, việc “co lại” của vốn đầu tư- một bộ phận quan trọng của tổng cầu- đã góp phần giảm sức ép mất cân đối của một số quan hệ cân đối lớn, như quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP, giữa vốn đầu tư và tiết kiệm trong nước, giữa thu và chi ngân sách, giữa nhập và xuất khẩu, giữa nợ và trả nợ nước ngoài…
Giảm đầu tư từ ngân sách, tăng từ các thành phần khác
Ảnh minh họa |
Riêng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện so với kế hoạch năm còn rất thấp (mới đạt 18%) và giảm so với cùng kỳ năm trước (tổng số giảm 4,9%), trong đó phần do Trung ương quản lý còn đạt thấp hơn (15%) và còn giảm sâu hơn (tới 19,9%); nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn nữa).
Tỷ trọng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 19,3% trong quý I/2012 xuống còn 17,4% trong quý I năm nay. Việc đạt thấp của nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, một phần do việc triển khai thực hiện kế hoạch vào đầu năm thường bị chậm; một phần do có sự chuyển đổi tư duy trong việc cơ cấu lại vốn đầu tư và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung (tăng 11,6% so với tăng 5,5%), nên tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã cao hơn cùng kỳ năm trước (36,9% so với 34,9%). Đây là xu hướng tích cực trong quá trình cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, trong điều kiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách gặp khó khăn về nguồn cũng như việc triển khai thực hiện còn chậm trong quý khởi đầu.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý I/2013 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng vốn đăng ký đạt quy mô khá (6,034 tỷ USD), tăng trưởng cao (63,6%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm nay cao hơn năm trước (số mới điều chỉnh là 16,3 tỷ USD) và vượt khá xa so với mức dự kiến 13- 14 tỷ USD của năm nay.
Điều đó chứng tỏ lòng tin của nhà đầu tư vào thực tế và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Lượng vốn đăng ký vào công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (91,8%) vừa phù hợp, vừa đón cơ hội Việt Nam chuyển sang công nghiệp hoá, hiện đại hoá với mục tiêu tổng quát đến 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Không chỉ đóng góp về vốn, khu vực FDI đã đóng góp tích cực đối với tăng trưởng GDP, thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp xuất khẩu (3 tháng đầu năm chiếm 64,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước)…
Vấn đề đặt ra không chỉ là lượng vốn mà phải chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn, đầu tư vào đâu và quan trọng hơn là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm được hệ số ICOR theo kế hoạch đề ra.
Đào Lâm