Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dòng tiền đầu tư tới nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp gia tăng mạnh mẽ đã giúp giá trị giao dịch toàn Sở bật tăng 29,5%, đạt gần 4.800 tỷ đồng, cao hơn 17% so với mức trung bình ghi nhận tính từ đầu tháng 5, theo số liệu của Khối Quản lý giao dịch MXV.
Thị trường kim loại nối dài xu hướng giảm
Trong tổng số 10 mặt hàng kim loại đang được giao dịch liên thông với các Sở Giao dịch thế giới, có tới 8 mặt hàng giảm giá. Giá bạc giảm 1,64% về 23,89 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 4/4. Bạch kim có mức giảm thấp nhất nhóm khi giảm 0,73% xuống 1.066,9 USD/ounce.
Triển vọng của nhóm kim loại quý trở nên tiêu cực hơn trước sự mạnh lên của đồng USD và lo ngại suy thoái kinh tế giảm bớt khiến vai trò trú ẩn của kim loại quý bị thất thế.
Chỉ số Dollar Index tăng 0,13% lên 102,56 điểm, mức cao nhất trong hơn 1 tháng.
Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ bất ngờ tăng 0,4% trong tháng 4, sau khi giảm 0,7% trong tháng 3. Doanh số bán lẻ lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) cũng tăng 0,4% sau khi giảm 0,5% hồi tháng 3. Hơn nữa, sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 0,5% so với tháng 3, trái với dự đoán giảm 0,1% của giới phân tích. Các số liệu này hiện đều chỉ ra dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,44% xuống 3,66 USD/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Triển vọng tiêu thụ đồng tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sự phục hồi kinh tế chậm của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Giá đậu tương xuống mức thấp nhất từ tháng 10/2022
Toàn bộ các mặt hàng nông sản đóng cửa ngày 16/5 trong sắc đỏ. Dầu đậu tương giảm mạnh 4,5% xuống 1.046 USD/tấn, nối dài đà giảm sang phiên thứ 7 liên tiếp. Trong khi đó, khô đậu tương cũng kết thúc chuỗi tăng 4 phiên, giảm gần 1%.
Đà giảm của đậu tương được mở rộng khi giá lao dốc về mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. MXV cho biết, triển vọng nguồn cung vẫn là yếu tố chính tạo sức ép lên giá, đặc biệt là sau những số liệu từ báo cáo cung – cầu tháng 5 phát hành vào cuối tuần trước.
Dầu đậu tương là mặt hàng có diễn biến đáng chú ý nhất trong phiên hôm qua. Các nhà máy ép dầu tại Mỹ đã ghi nhận tháng 4 bận rộn nhất trong lịch sử. Các thành viên của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA), chiếm khoảng 95% tổng khối lượng ép dầu đậu tương của Mỹ, đã xử lý 173,2 triệu giạ đậu tương trong tháng 4. Đây cũng là khối lượng ép dầu đậu tương lớn nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn tháng 4 hằng năm. Điều này đã xoá đi hoàn toàn những lo ngại về nguồn cung dầu thực vật và khiến dầu đậu lao dốc.
Giá heo hơi nội địa liên tục tăng trong gần 1 tuần
Giá nông sản thế giới suy yếu đã kéo giá nhập khẩu hạ nhiệt. Ghi nhận trong sáng nay, giá chào bán khô đậu tương tại cảng Cái Lân dao động trong khoảng 13.000 -13.200 đồng/kg đối với kỳ hạn giao hàng các tháng quý III năm nay. Tại cảng Vũng Tàu, ghi nhận mức thấp hơn một chút, trong khoảng 12.900-13.000 đồng/kg. Như vậy so với đầu năm nay, giá chào bán trong nước đã giảm mạnh tới 1.200 đồng/kg.
Xu hướng giảm của giá nông sản thế giới mang lại tín hiệu tích cực hơn đối với ngành chăn nuôi trong nước, nhờ giá thành nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt. Cũng trong sáng nay, sau khi liên tục tăng trong gần 1 tuần trở lại đây, giá heo hơi khảo sát trên một số tỉnh thành dao động trong khoảng 53.000 – 56.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, giá thành phẩm như trên về cơ bản mới có thể đáp ứng được mức sản xuất.