Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, lợi nhuận của ngành trong năm nay dự kiến sẽ đạt 18,7 tỷ USD, giảm so với mức dự báo 19,7 tỷ USD đưa ra hồi tháng 12/2013 do giá nhiên liệu đã tăng cao hơn. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức kỷ lục 17,3 tỷ USD của ngành trong năm 2010. Tổng doanh thu của toàn ngành trong năm nay dự kiến vào khoảng 745 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng tiếp tục ở mức thấp, vào khoảng 5,65 USD/hành khách. Con số này cao hơn mức 4,13 USD/hành khách năm 2013 song vẫn thấp hơn mức kỷ lục 6,45 USD/ hành khách năm 2010.
Theo ông Tyler, một số nguyên nhân khác ảnh hưởng tới doanh thu của ngành có thể kể đến chính sách của Venezuela cấm các hãng hàng không quốc tế chuyển lợi nhuận ra bên ngoài lãnh thổ; tình hình bất ổn tại Ukraine đẩy giá dầu leo thang và sự cố mất tích của máy bay chở khách MH370 của hãng hàng không Malaysia.
Mặc dù lợi nhuận có thể giảm nhưng ngành hàng không thế giới vẫn đang trong đà phát triển nhanh hơn so với các ngành kinh tế khác. Sự ra đời ngày càng nhiều các hãng hàng không giá rẻ và sự gia tăng về số người thuộc tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế mới nổi cũng như nhu cầu đi lại bằng đường không là những nhân tố mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành hàng không thế giới trong thời gian tới.
IATA dự báo ngành hàng không thế giới sẽ có bước tăng trưởng mạnh trong ngắn và trung hạn. Mặc dù môi trường tài chính-kinh tế toàn cầu còn không ít bất ổn song ngành hàng không thế giới vẫn sẽ có những bước tiến đều đặn nhờ kinh tế Mỹ trên đà hồi phục vững, khu vực đồng euro (Eurozone) dần thoát khỏi khủng hoảng và kinh tế Trung Quốc dần lấy lại nhịp độ tăng trưởng.
IATA tin tưởng lượng hành khách đi lại bằng đường không trên toàn thế giới sẽ tăng 5,4% trong 5 năm tới. Các hoạt động sáp nhập và khả năng giá dầu mỏ giảm sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không thu về mức lợi nhuận kỷ lục, ước khoảng 12,9 tỷ USD trong năm 2014 và 19,7 tỷ USD năm 2015.
Nhu cầu tăng
Theo nhận định của hãng chế tạo máy bay Boeing (Mỹ), số người đi lại bằng đường không trên toàn thế giới năm 2013 lần đầu tiên vượt 3 tỷ lượt khách và dự đoán sẽ đạt ngưỡng 6,5 tỷ lượt vào năm 2032. Boeing tin tưởng nhu cầu bay đến châu Á, đi từ khu vực này và bay trong nội vùng sẽ đóng góp xấp xỉ một nửa mức tăng trưởng của ngành hàng không thế giới trong vòng 20 năm tới. Với GDP tăng trưởng trung bình 4,5%/năm, vượt trội so với nhịp độ tăng trưởng trung bình 3,2%/năm của kinh tế thế giới, lượng hành khách đi lại trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự báo sẽ tăng trưởng 6,3%/năm trong cùng thời gian này, cao hơn mức tăng trên toàn cầu.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại, các hãng hàng không trong khu vực sẽ cần thêm 12.820 chiếc máy bay mới, trị giá khoảng 1.900 tỷ USD trong hai thập niên tới. Boeing dự báo trong 20 năm tới, Châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm tới 36% tổng số máy bay chở khách và máy bay vận tải trên thế giới được chuyển giao và đến năm 2032, đội máy bay của khu vực này sẽ khá "hùng hậu" với 14.750 chiếc, vượt xa con số 5.090 chiếc của năm 2012. Tại châu Á, nhu cầu máy bay hành khách nhỏ hơn với sức chứa dưới 100 chỗ hay còn gọi là máy bay "khu vực" (bay chặng ngắn và trung bình) đang gia tăng và chính loại máy bay này đã "đắt hàng" tại Triển lãm hàng không quốc tế Singapore vừa qua.
Hàng không giá rẻ phát triển
Quản lý cao cấp của các hãng hàng không giá rẻ cho biết các hãng hàng không giá rẻ đang phát triển do kinh tế châu Á phục hồi và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Giám đốc điều hành của hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific (Philippines) cho biết, thị trường du lịch hàng không tại khu vực châu Á đang bùng nổ.
Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, biểu hiện của các hãng hàng không giá rẻ tại thị trường châu Á tốt hơn so với các hãng hàng không truyền thống do các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân muốn tiết kiệm tiền.
Thêm nữa, dân số khu vực châu Á tăng nhanh, đặc biệt là tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao tạo ra thị trường cho các hãng hàng không giá rẻ phát triển.
Bên cạnh đó, hàng triệu người châu Á thoát khỏi đói nghèo đang bắt đầu đi du lịch nước ngoài. Nhà kinh tế học của Singapore Hedrick-Wong cho biết, tầng lớp trung lưu tại các thị trường mới nổi ngày càng nhiều. Các hãng hàng không giá rẻ, du lịch giá rẻ phát triển vì phục vụ cho tầng lớp này. Hiện nay, giới trung lưu khu vực này có khoảng 500 triệu người, dự báo sẽ lên đến mức 1,7 tỷ người vào năm 2030. Để chuyên chở số hành khách này, ngành hàng không cần phải có thêm 200.000 phi công nữa.
Sức nóng cạnh tranh giữa các hãng hàng không giá rẻ cũng leo thang do không chỉ "chinh phục" các chặng ngắn, các thành phố và thị trấn nhỏ hơn mà các hãng hàng không giá rẻ như Air Asia của Malaysia còn chuẩn bị công bố kế hoạch tấn công sang các chặng bay đường dài. Air Asia hồi tháng 12/2013 công bố đơn đặt hàng 25 chiếc Airbus A330-300 trị giá 6 tỷ USD.
Các hãng hàng không giá rẻ của Indonesia, Thái Lan và Malaysia dự đoán sẽ là "khách quen" của các hãng hàng không hay sản xuất máy bay nhỏ như Embraer của Brazil và Bombardiers của Canada. Embraer dự báo các hãng hàng không Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp nhận 1.500 máy bay mới cỡ nhỏ (70-130 chỗ ngồi) trong 20 năm tới, chiếm xấp xỉ 20% nhu cầu máy bay toàn cầu. Thị trường du lịch nội địa đang lớn mạnh của khu vực là Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan với tổng số 25 hãng hàng không giá rẻ đang hoạt động và nhiều hãng nữa đang được thành lập.
ASEAN và Việt Nam - thị trường đầy hứa hẹn
ASEAN là một trong các thị trường hàng không mới phát triển đầy hứa hẹn với lượng khách đi lại bằng đường không giữa châu Âu và Đông Nam Á dự báo tăng 5%/năm trong vòng 20 năm tới, mang lại cơ hội lớn cho các hãng hàng không của ASEAN.
Theo dự đoán trước đây của IATA thì sau năm 2014, Việt Nam sẽ trở thành thị trường chuyên chở hàng hóa và hành khách phát triển nhanh thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Brazil. Theo đó, đến năm 2015, hàng không Việt Nam sẽ vận chuyển 34-36 triệu lượt khách và từ 850.000-930.000 tấn hàng, trong đó lượt hành khách đi các đường bay nội địa sẽ tăng 15%, gấp ba lần so với năm 2012. Đến năm 2019 sẽ vận chuyển 52-59 triệu lượt khách và 1,4-1,6 triệu tấn hàng.
Tuy nhiên, sự tăng tốc của ngành hàng không đòi hỏi các tổ chức hàng không phải giữ cho các tiêu chuẩn an toàn ở mức cao và đó phải là tâm điểm phát triển của ngành này. Cơ quan đánh giá tín nhiệm Standard & Poors (Mỹ) cho rằng với tốc độ phát triển này, ngành hàng không hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và hạ tầng cơ sở thích hợp.
Nguyễn Chiến