Ngay sau những bài báo phản ánh thực trạng sử dụng cát không bảo đảm chất lượng với các kiến nghị về các giải pháp cải thiện nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng ở ĐBSCL, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có ý kiến phản hồi trên diễn đàn công luận và đã cơ bản đồng thuận hướng giải quyết vấn đề.
"Yêu cầu phát triển mạnh về xây dựng đô thị đang gây sức ép lên tài nguyên cát và nguy cơ cát bị cạn kiệt vì khai thác quá mức là hiển hiện"- TS. Bùi Trung Dung - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận định. Vì lẽ đó, việc xử lý sạch loại khoáng vật này để nâng cao hiệu quả sử dụng trong xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật là việc cần phải làm.
Cát vùng hạ lưu tạp chất cao…
Theo TS. Dung, hiện có tới 70% khối lượng cát sử dụng trong công trình ĐBSCL đều sử dụng cát lẫn tạp chất (LTC). Việc sử dụng phổ biến cát LTC trong xây dựng công trình ở ĐBSCL là điều bình thường nhưng đáng lo ngại là hầu hết lượng cát LTC này đều được sử dụng trực tiếp sau khi lấy lên từ các mỏ dưới lòng sông mà không thông qua công đoạn xử lý loại bớt tạp chất hữu cơ trước khi đưa vào sử dụng cho công trình. Hơn nữa, vẫn theo TS. Dung "cát ở ĐBSCL là cát vùng hạ lưu nên lượng bùn và chất hữu cơ, tạp chất cao hơn hẳn vì đón nhận lượng phù sa bồi lắng lớn".
Trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng cho loại vật liệu xây dựng này trước khi đưa ra thị trường, như: cơ sở sản xuất, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, chịu trách nhiệm công bố tiêu chuẩn chất lượng, bao bì… hoàn toàn không có thì người sử dụng lại thiếu chú trọng đến chất lượng cát, phó mặc cho các cơ sở cung ứng vật liệu xây dựng và thầu thi công. Thường thì thợ thi công chỉ sàng khô bằng phương pháp thủ công để loại bớt những cục bùn, sét lớn trước khi đưa cát vào trộn vữa để tô trát, còn vữa xây tường thường dùng trực tiếp cát không xử lý. Thậm chí ở các địa phương ven biển, điều kiện vận chuyển cát xa, đất, nước nhiễm mặn như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… không loại trừ tình trạng pha trộn cát san lấp vào cát xây, tô gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình.
Cần xử lý sạch hơn…
Nếu cho rằng chất lượng cát thô từ mỏ với đặc thù lẫn nhiều tạp chất của vùng hạ nguồn Mêkông đã đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành về chất lượng cát xây dựng (của Bộ Xây dựng) thì quả nhiên các chỉ số quy định tiêu chuẩn cát xây dựng đã bất cập - cần phải được xem xét, bổ sung, sửa đổi theo hướng khuyến khích xử lý giảm thiểu tỷ lệ tạp chất hữu cơ trong cát trước khi đưa vào sử dụng cho công trình. Quy định hiện hành, thành phần tạp chất hữu cơ, bùn, sét không quá 10%, lượng sét không quá 3% nhưng thực tế tại ĐBSCL đã có thể sử dụng dây chuyền sàng rửa cát, cát thành phẩm đã đạt tới tỷ lệ dưới 1% bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ - thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định.
Việc điều chỉnh tiêu chuẩn quy định tỷ lệ bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ trong cát xây dựng thấp xuống nữa là điều cần thiết - đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng công trình xây dựng cơ bản và hoàn toàn có thể làm được trong điều kiện thực tế của ĐBSCL. Điều kiện đầu tư lắp đặt dây chuyền xử lý cát LTC đã có ở ĐBSCL cũng không cần phải có tới hàng triệu đô la như đầu tư xây dựng nhà máy tinh chế cát, xay cát. TS. Dung, cho rằng: Căn cứ vào quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng ở địa phương, nên tổ chức cấp phép cho một vài doanh nghiệp khai thác cát và yêu cầu đăng ký chất lượng đầu ra sản phẩm, đăng ký hợp chuẩn hợp quy, để những người có nhu cầu sử dụng lựa chọn sử dụng. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh cát có nguy cơ cạn kiệt, chúng ta nên tận dụng nguồn cát LTC nhưng cần phải xử lý sạch hơn và ở ĐBSCL thì trước tiên cần phải thực hiện quy trình công nghệ sàng lọc, phân loại tạp chất từ cát để có được cát đạt chất lượng sử dụng cho các công trình xây dựng.
Đầu tư ít, thu lợi cao…
Giới chuyên môn ngành xây dựng đã xác định hợp chất có hại trong cốt liệu là những tạp chất bụi, bùn, sét bám dính trên bề mặt hạt cốt liệu thành một lớp mỏng làm trở ngại cho sự tiếp xúc giữa xi măng và cốt liệu làm giảm lực dính bám giữa chúng dẫn đến sự hạ thấp cường độ bê tông. TS. Trần Minh Thuận, Trưởng bộ môn Kỹ thuật xây dựng (Đại học Cần Thơ), chỉ rõ: Tạp chất hữu cơ lẫn trong cát gặp nước sẽ nở ra, khi khô sẽ co lại, do đó tạo ra nhiều lỗ rỗng. Độ ẩm của cát cũng ảnh hưởng tới thể tích, khi cát ẩm 5 đến 10% thì nó tăng thể tích.
Giáo trình đào tạo thí nghiệm viên của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cũng đã nêu: Với các điều kiện tương tự nhau thì cường độ bê tông chế tạo từ cốt liệu được rửa sạch lớn hơn so với bê tông chế tạo từ cốt liệu chưa rửa khoảng 10 - 20%. Cường độ bê tông gia tăng là cơ sở gia tăng giá trị sử dụng công trình. Và vì vậy, chi phí đầu tư công trình sử dụng cát đã qua sàng rửa tăng thêm khoảng 0,5% tổng giá trị công trình nhưng sẽ tăng cường độ bê tông từ 10% đến 20% - tức là cũng có thể giảm chi phí bê tông với tỷ lệ gần tương ứng. Một công trình sử dụng cát không đảm bảo chất lượng chắc chắn sẽ bị rút ngắn thời gian sử dụng, việc này đồng nghĩa với tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật mà người sử dụng chưa để ý.
Từ các cơ sở phân tích cho thấy: Việc thực hiện quy trình công nghệ sàng lọc, phân loại tạp chất từ cát LTC sẽ là giải pháp thay cho biện pháp "đối phó tình thế" bằng cách tăng lượng vôi, xi măng,... Xử lý cát LTC bớt "bẩn" trước khi đưa vào sử dụng còn xóa được nỗi lo công trình "ủ bệnh" từ trong bê tông, tránh được vấn nạn phân hủy tạp chất hũu cơ tạo thành lỗ rỗng trong bê tông và dẫn đến sự xuống cấp của công trình, không đạt được thời gian sử dụng công trình theo thiết kế.
Hùng Minh