Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Tình trạng vi phạm môi trường ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn và đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các vụ vi phạm pháp luật về môi trường đang gặp không ít rào cản.
Từ các chính sách...
Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định 10 hành vi phạm tội về môi trường. Mỗi điều khoản về tội phạm môi trường (TPMT) trong Bộ Luật hình sự 1999 đều đã xác định hành vi phạm tội, căn cứ truy cứu hình sự, định khung phạt tiền và định hình phạt tù tương ứng với ba mức độ hậu quả gây ra: Nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Luật Bảo vệ Môi trường 2005 (sửa đổi) của Việt Nam xác định: BVMT là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Đây chính là quan điểm nhất quán về quyền và trách nhiệm của các chủ thể pháp luật đối với công tác BVMT ở Việt Nam . Trong Luật BVMT cũng quy định 15 hành vi vi phạm môi trường cụ thể bị Nhà nước nghiêm cấm.
Tuy nhiên, đến nay khái niệm về TPMT vẫn chưa được luật hóa, mà mới chỉ được định nghĩa trong một số công trình nghiên cứu về pháp luật. Các khái niệm về TPMT mặc dù đã nêu được bản chất cơ bản của loại hình tội phạm này, song vẫn chưa thể hiện được đặc trưng và phân biệt của nó với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đây có thể coi là một rào cản lớn trong việc xác định chính xác TPMT để có thể tiến hành truy tố được loại tội phạm này.
Đến các vụ vi phạm điển hình
Bối cảnh vi phạm môi trường ở Việt Nam ngày càng phổ biến, đa dạng, liên tục; mức độ tổn hại ngày càng nghiêm trọng, nhưng không có nhiều vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cho dù các quy định về tội phạm môi trường đã có hiệu lực hơn chục năm qua. Những vụ sai phạm điển hình như Công ty TNHH Vedan xả nước thải trực tiếp xuống sông Thị Vải (Đồng Nai), Công ty sửa chữa tàu biển Huyndai-Vinashin xả chất thải rắn (hạt nix) độc hại không qua xử lý ra môi trường (Khánh Hòa), Nhà máy Miwon (Việt Trì - Phú Thọ) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng; hành vi xả nước thải độc hại ra sông Đông Điền (huyện Nhà Bè - TP. Hồ Chí Minh) của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương; các công ty nhập chất thải phế liệu về cảng Hải Phòng, Sài Gòn và Đà Nẵng... đều không bị xử lý hình sự. Các biện pháp xử phạt hành chính đối với các vụ sai phạm này đã bộc lộ những bất cập của chính sách hình sự hóa vi phạm môi trường.
Trong số 10 tội danh về phạm tội môi trường nói trên, đến nay ở Việt Nam mới chỉ có 2 tội danh bị khởi tố điều tra và đưa ra xét xử là hủy hoại rừng (Điều 189) và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190). Các trường hợp đã bị khởi tố và tuyên án như vụ săn bắn trộm bò rừng ở VQG Ea Sô (Đắk Lắk - 2003) với mức án cao nhất dành cho người vi phạm là 3 năm tù giam và không có hình thức phạt tiền kèm theo; vụ vận chuyển và buôn bán, xẻ thịt nấu cao hổ ở nhà 103b, B5, tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội - 2007) với mức án cao nhất là 30 tháng tù giam.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam quy định chỉ truy cứu hình sự đối với các cá nhân vi phạm, chứ không áp dụng cho các đối tượng là các tổ chức, công ty, tập đoàn có tư cách pháp nhân. Đây là "lỗ hổng" lớn nhất vì các cơ quan tố tụng không thể khởi tố hình sự và định tội các doanh nghiệp hay người đứng đầu doanh nghiệp khi họ là chủ thể các vi phạm môi trường như Bộ luật Hình sự đã định tội.
Đã đến lúc cần phải có những cách tiếp cận và nhận thức mới hơn để hoàn thiện cơ sở pháp luật về TPMT cũng như công tác giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
XH