Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vào tháng trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo nội dung chuẩn bị cho Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Theo đó, sẽ dành 1.400 tỷ đồng xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường cho 8 loại hình làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Cách Tuyến để có cái nhìn bao quát về công tác phòng, chống, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề từ trước đến nay và kế hoạch sắp tới của ngành môi trường.
Trách nhiệm xử lý ô nhiễm
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Ảnh: Chinhphu.vn |
PV: Thưa ông, việc khắc phục ô nhiễm và xử lý môi trường đối với 8 loại hình làng nghề sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Bùi Cách Tuyến: 8 loại hình làng nghề bao gồm: thủ công mỹ nghệ (chiếm khoảng 37%); chế biến lương thực, thực phẩm (24%); dệt, nhuộm, thuộc da (5%); gia công cơ kim khí (4%); sản xuất vật liệu xây dựng: (3%); chăn nuôi, giết mổ gia súc (1%); tái chế chất thải (1%) và một số loại hình làng nghề khác (24%).
Với số lượng làng nghề, làng có nghề rất lớn như hiện nay (3.355 làng), việc khắc phục, xử lý ô nhiễm phải triển khai từng bước; vừa phù hợp với nguồn lực hiện có, vừa tránh xáo trộn quá lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân nông thôn.
Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xử lý ô nhiễm phải bắt đầu từ việc ngăn chặn không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới. Trên quan điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2012, quy định về bảo vệ môi trường làng nghề.
Theo đó, phân loại thành 3 nhóm, Nhóm A: được phép hoạt động trong khu vực dân cư; Nhóm B và Nhóm C: không được phép thành lập mới, nếu đang hoạt động phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu không phải di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 1/1/2017.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Theo đó, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề là một trọng tâm ưu tiên của Chương trình. Tuy nhiên, với kinh phí và thời gian hạn chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp cùng với địa phương sàng lọc và lựa chọn các khu vực làng nghề điển hình để ưu tiên đầu tư xử lý, trong đó tập trung vào:
Thứ nhất, nhóm đối tượng được ưu tiên cao nhất là làng nghề thủ công, truyền thống, tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; sử dụng lao động tại chỗ và có gắn với du lịch văn hóa; hiện đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, nhóm đối tượng được ưu tiên là làng nghề đã được công nhận; có hoạt động sản xuất ổn định và nằm trong quy hoạch phát triển làng nghề của địa phương; hiện đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra là các tiêu chí bổ trợ khác: (i) Làng nghề đã có Quyết định phê duyệt Đề án/Dự án xử lý ô nhiễm nhưng chưa bố trí được kinh phí; (ii) Có sự đồng thuận và cam kết đóng góp kinh phí của chính quyền địa phương vào các hoạt động của dự án; (iii) Nằm trong khu vực có mật độ làng nghề cao Đồng bằng Bắc Bộ, lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Đồng Nai – Sài Gòn, sông Cầu; (iv) Nằm trong các khu vực trọng điểm phát triển văn hóa du lịch hoặc các khu vực đông dân cư.
Nhưng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, xử lý ô nhiễm là trách nhiệm của người gây ra ô nhiễm (Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 đã quy định). Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần đối với các đối tượng đặc biệt và cũng tập trung vào các hạng mục công trình xử lý chung cho cộng đồng, không thể và không nên đầu tư ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường có các hộ sản xuất cá thể trong khu vực nông thôn nhưng thực chất là các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần làm rõ thế nào là làng nghề, để tránh sự nhầm lẫn giữa làng nghề và phát triển công nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn nông thôn. Đối với nhóm đối tượng không phải là làng nghề, cần có các biện pháp xử lý như đối với một doanh nghiệp hoạt động.
PV: Như ở tỉnh Bắc Ninh thì có nhiều làng nghề liên quan quan đến tái chế kim loại, vậy tất cả làng nghề này đều có thể được khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường?
Ông Bùi Cách Tuyến: Như trên đã trình bày, việc xử lý ô nhiễm trước hết phải là trách nhiệm của người gây ra ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất làng nghề để tồn tại lâu dài nhất thiết phải tuân thủ các qui định pháp luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với thời gian và nguồn ngân sách hạn chế, Chương trình Mục tiêu quốc gia không thể xử lý hết các điểm ô nhiễm (đặc biệt các cơ sở tái chế kim loại là đối tượng thuộc Nhóm C là nhóm có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao theo quy định tại Thông tư 46/2011/TT-BTNMT).
Chương trình mục tiêu trong giai đoạn này chỉ ưu tiên khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng và điển hình nhất theo tiêu chí quy định.
Đối với các làng nghề khác, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đánh giá mức độ ô nhiễm, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Xác định rõ, hợp lý trách nhiệm của các cấp chính quyền
PV: Xin ông cho biết khái quát từ trước đến nay việc áp dụng các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề được thực hiện như thế nào và hiệu quả đến đâu?
Ông Bùi Cách Tuyến: Trước tình trạng báo động về môi trường làng nghề trong những năm gần đây, nhiều Bộ, ngành và địa phương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác quản lý môi trường và xử lý ô nhiễm nhằm khắc phục những hậu quả do hoạt động sản xuất gây ra, trong đó phải kể đến:
- Đã tổ chức thực hiện các giải pháp: pháp luật, chính sách, công nghệ, truyền thông, thanh tra/kiểm tra,... nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý ô nhiễm môi trường đối với một số làng nghề;
- Đã xây dựng một số mô hình làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa vừa tôn vinh giá trị của các ngành nghề truyền thống, vừa khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập, vừa nâng cao ý thức về giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường như Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam)…
- Tích cực nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao và có biện pháp nhân rộng một số mô hình quản lý, xử lý chất thải làng nghề, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương như: công nghệ hầm biogas đối với chất thải đối với các làng nghề chăn nuôi, giết mổ gia súc; mô hình quản lý chất thải nguy hại làng nghề Bình Yên (Nam Định); mô hình thu gom và xử lý rác thải áp dụng quy mô thôn hoặc xã của tỉnh Thái Bình;…
- Triển khai quy hoạch tập trung các khu Cụm công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư đối với làng nghề dệt nhuộm, tái chế giấy,… hoặc quy hoạch quản lý theo hình thức phân tán đối với từng hộ gia đình tại các làng nghề truyền thống ít ô nhiễm.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường đối với làng nghề; công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường làng nghề (chủ yếu là thu gom chất thải rắn) đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả tại một số địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này chỉ mới mang tính mô hình thí điểm và tập trung cục bộ tại một số làng nghề, chưa được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc và chưa mang lại hiệu quả triệt để trong công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dân còn hạn chế, trong khi đó vấn đề quản lý, xử lý về môi trường đối với làng nghề chưa được thực hiện thống nhất và triệt để; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Vì vậy, để có thể đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền có địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân làm nghề.
Một trong số các lò nung sản xuất theo hộ gia đình nhỏ, lẻ tái chế kim loại tại xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Chinhphu.vn |
PV: Trong lần thực hiện này, những giải pháp đột phá nhằm khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường của làng nghề là gì, thưa ông?
Ông Bùi Cách Tuyến: Trước hết, việc Quốc hội đã tổ chức một hoạt động giám sát tối cao về tình hình thực thi pháp luật về môi trường tại làng nghề trong năm 2011, sau đó phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong đó có làng nghề sẽ là một cơ hội để có những bước đột phá trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng đó là xác định rõ, hợp lý trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, trách nhiệm của các hộ sản xuất, cơ sở trong việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó, cần kiên quyết và nhất quán trong việc đầu tư kinh phí cho những làng nghề có quy hoạch khu sản xuất tập trung hoặc quỹ đất để di dời các cơ sở, công đoạn gây ô nhiễm, không thể tạo thói quen ỷ lại cho các hộ sản xuất; hướng ưu tiên cho các làng nghề truyền thống là nhằm khuyến khích phát triển làng nghề gắn với bản sắc văn hóa.
Đối với các làng nghề đã gây ô nhiễm môi trường hoặc có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao, chỉ đầu tư kinh phí cho những làng nghề khi có quy hoạch khu sản xuất tập trung hoặc quỹ đất để di dời các cơ sở, công đoạn gây ô nhiễm. Việc đầu tư kinh phí phải cân đối giữa sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương với ngân sách của bản thân các hộ sản xuất, không thể và không nên tạo thói quen ỷ lại từ chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các hộ dân.
Lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với đặc trưng sản xuất của các làng nghề cũng là vấn đề được đặt ra và cần có sự xem xét kỹ lưỡng. Ngoài hiệu quả xử lý còn phải xem xét đến hiệu quả kinh tế và những ưu việt trong vận hành.
Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề là một quá trình lâu dài, với lộ trình hợp lý và cụ thể. Các Bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương các cấp và các cơ sở sản xuất làng nghề phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ và nhịp nhàng vì các mục tiêu phát triển bền vững các làng nghề và xây dựng nông thôn mới Việt Nam.
PV: Bộ có đưa ra được tiêu chí về chất lượng môi trường ở mỗi loại hình làng nghề không?
Ông Bùi Cách Tuyến: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó có các quy chuẩn thải và quy chuẩn chất lượng môi trường xung quanh. Tuy nhiên, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được ban hành và áp dụng cho mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; không phân biệt đối tượng có nằm trong làng nghề hay không.
Khi xây dựng các quy chuẩn này, mục tiêu là tập trung vào các đối tượng là cơ sở sản xuất công nghiệp. Vì vậy, trên thực tế khi áp dụng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong làng nghề đã gặp nhiều khó khăn do năng lực xử lý chất thải của các cơ sở này rất hạn chế.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với thực trạng năng lực sản xuất và khả năng đầu tư, xử lý chất thải một số loại hình làng nghề điển hình thông qua bộ thông số đặc trưng, các hệ số và lộ trình áp dụng.
Về các tiêu chí bảo vệ môi trường làng nghề cũng sẽ được chúng tôi nghiên cứu xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn khách quan. Các tiêu chí này nếu có sẽ gắn liền với các tiêu chí của Làng văn hóa, các tiêu chí của nông thôn mới và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các cơ sở sản xuất làng nghề.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thành Chung- Thanh Thủy thực hiện