Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tín dụng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhưng nợ xấu tăng
Ngày 16/11, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và vấn đề thu hồi nợ hiện nay”.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: "Cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng được đánh giá là một lĩnh vực tiềm năng. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng ở mức cao. Tại Việt Nam, khi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng, vượt qua ngưỡng của các nước đang phát triển thì việc vay tiêu dùng và cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội. Cho vay tiêu dùng vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân vừa góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hẹp quy mô, sự ảnh hưởng của tín dụng đen".
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để quản lý hoạt động tín dụng tiêu dùng, thời gian qua NHNN đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD thực hiện cho vay tiêu dùng; ban hành các quy định về giới hạn giải ngân, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống để quản lý hiệu quả chất lượng tín dụng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, cảnh báo các TCTD về các vấn đề rủi ro.
Phó Thống đốc NHNN cho rằng, trước đại dịch COVID-19, cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh, giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân. Kết quả hoạt động của các công ty tài chính như FE Credit... cũng rất tích cực, đáp ứng được nhu cầu đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống). Do đó, đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp là do nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, trong khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm kéo theo cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm. Cùng với đó, thu nhập của người dân bị suy giảm, nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng giảm sút mạnh, khả năng trả nợ khó khăn, nợ xấu gia tăng.
Đồng thời, việc xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là của các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao. Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan còn do yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ, thậm chí thành lập các hội nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ.
Lãnh đạo NHNN nêu yêu cầu phải giảm bớt loại hình kinh doanh bất hợp pháp đang nở rộ, lấn át công ty tài chính chính thức; thậm chí cần có hành lang pháp lý, chế tài về thu hồi nợ, chế tài đối với những công ty tài chính không chính thức, trá hình.
"Đây là vấn đề NHNN rất quan tâm, làm sao duy trì được sự tăng trưởng của TDTD, góp phần nâng cao đời sống người dân, ngăn chặn tín dụng đen, củng cố và tiếp tục nâng cao niềm tin của thị trường, người dân, người vay vốn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Ông Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng (VNBA) cho biết thêm: "Các hình thức tín dụng đen trực tuyến như các trang thông tin điện tử, ứng dụng di động giả mạo, trá hình trên thị trường đang phát triển với tốc độ chóng mặt đã gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng. Khách hàng rất khó phân biệt được trang thông tin điện tử/ứng dụng di động giả mạo với trang thông tin điện tử/ứng dụng di động chính thống của công ty tài chính được NHNN cấp phép thành lập và hoạt động, từ đó nhiều khách hàng lo lắng và chưa sẵn sàng thanh toán nợ vay. Nợ xấu còn phát sinh từ việc, nhiều người khi vay tiền không hiểu rõ tầm quan trọng của việc thanh toán đúng hạn, đầy đủ và thậm chí có những suy nghĩ sai lệch và chủ đích gian lận khi làm hồ sơ vay".
Về kiến nghị giải pháp, ông Bùi Đức Tài – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đề nghị Hiệp hội ngân hàng hướng dẫn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng thành viên thực hiện một số nội dung.
Theo đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho các nhân viên ngân hàng, TCTD trong chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng; chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan.
Cần rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động, việc chấp hành các quy định của các ngân hàng, TCTD hạn chế, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.
Khẩn trương khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đại diện Bộ Công an cũng đề nghị ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu để xác thực, làm sạch và loại bỏ tài khoản ngân hàng "ảo"; hỗ trợ ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân...
Ông Linh Đức Hoàng, Trưởng ban Khách hàng cá nhân Agribank cho biết: Cho vay tiêu dùng Agribank được quan tâm, tỉ trọng dự nợ cho vay chiếm 27%, quy mô dư nợ 300 nghìn tỷ đồng ngoài khoản cho vay thông thường, Agribank đang có các chương trình hướng tới đối tượng ưu tiên chính sách khách hàng như dành 5000 tỷ đồng cho vay hạn chế tín dụng đen, khách hàng nhỏ lẻ khu vực nông nghiệp, nông thông, 10 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi cán bộ nhân viên y tế, 15 nghìn tỷ đồng cho vay cán bộ hưởng lương ngân sách nhà nước...
Đại diện Agribank cho rằng: Để hoạt động cho vay tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen trong nền kinh tế xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, đòi hỏi cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước,Tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền chính sách vay vốn để người dân nắm được và tiếp cận nguồn vốn tín dụng công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Huy Thắng