Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo các khoản nợ bị rủi ro thuộc phạm vi xử lý của Quy chế này bao gồm: Các khoản nợ vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước và các khoản nợ vay theo chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (gọi chung là các khoản nợ vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước); các khoản nợ vay bắt buộc sau khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại Ngân hàng thương mại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (các khoản nợ vay bắt buộc); các khoản nợ cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu rủi ro tín dụng.
Dự thảo nêu rõ các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro gồm: Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra; khách hàng bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật hiện hành; khách hàng là cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự; bị chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ hoặc còn tài sản nhưng không đủ để trả nợ; nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Bên cạnh đó cũng xem xét xử lý rủi ro đối với khách hàng là doanh nghiệp Nhà nước phải xử lý tài chính khi thực hiện chuyển đổi sở hữu, tổ chức sắp xếp lại theo quy định của pháp luật và của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; khách hàng gặp rủi ro khách quan từ phía nhà nhập khẩu, ngân hàng phục vụ bị phá sản, nước nhập khẩu thay đổi chính sách ảnh hưởng đến nhập khẩu hàng hóa; các trường hợp rủi ro cụ thể khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh