Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại cuộc họp, các địa phương đã thông báo về tình hình thực tế của các tàu, cảng sau thời gian được hướng dẫn và yêu cầu thực hành chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thời gian qua. Nhiều địa phương đã đạt được các tiến bộ đáng ghi nhận.
Chẳng hạn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường cho biết, sau các chuyến thị sát, tập huấn của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), các tàu ra vào cảng trên địa bàn đều khai báo, thông tin cập nhật được đưa vào phần mềm. Những tàu vi phạm bị xử lý nghiêm. Lực lượng quân đội phối hợp, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển. Nhiều trang thiết bị hiện đại được lắp mới.
Hay theo Phó Chủ tịch UBND Cà Mau Lê Văn Sử, tỉnh đã xử lý triệt để các tàu vi phạm, đồng thời lập một tổ công tác về IUU nhằm tháo gỡ bằng được những vướng mắc thuộc về chủ quan, nhất là công tác rà soát các phương tiện quá hạn đăng ký, đăng kiểm.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ tàu cá vi phạm. Riêng tỉnh Phú Yên, từ năm 2021 đến nay, chưa phát hiện vụ việc vi phạm. Một số tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ninh, Bình Thuận... đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, nhất là vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng có tỉ lệ lắp thiết bị định vị VMS cao, trên 95%.
Tuy nhiên, bên cạnh nhưng tiến bộ nêu trên vẫn còn nhiều tồn tại cần phải được nhanh chóng và nghiêm túc khắc phục, như: Hiện tượng ngắt điện làm ngắt kết nối trên tàu, hoặc thông tin trên nhật ký khai thác không đảm bảo. Cùng với đó việc luồng lạch tại nhiều cảng cá bị bồi lắng, khu neo đậu tránh trú bão xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc các tỉnh, thành phố ven biển đã có sự chuyển biến về nhận thức và tạo ra những kết quả tốt. Những kết quả này sẽ là minh chứng khi làm việc với đoàn công tác của EC.
Hiện toàn ngành thủy sản đang triển khai đồng bộ các kế hoạch theo đúng 4 khuyến cáo của EC, đặc biệt là về khung pháp lý. Các văn bản đã quy định cụ thể hơn về yêu cầu với thiết bị VMS; trách nhiệm của nhà cung cấp thiết bị VMS khi thiết bị bị hỏng; quy định rõ trong 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu xin vào cảng, cơ quan thẩm quyền cần xác minh thông tin về tàu; quy định về hạn ngạch khai thác tại vùng khơi cho từng địa phương...
Nhằm công khai, minh bạch và chuyển đổi số công tác quản lý, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, Tổng cục Thủy sản đã thử nghiệm và triển khai xây dựng phần mềm "Hệ thống chứng nhận nguồn gốc điện tử", với Trung tâm Thông tin thủy sản là cơ quan đầu mối triển khai.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương bám sát theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, vì cuộc sống của 800.000 ngư dân trên biển, 4 triệu người liên quan trên đất liền. Thứ trưởng đề nghị thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo, làm trưởng đoàn đi kiểm tra trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Ngoài ra, UBND tỉnh, thành phố cần ban hành văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp cơ sở, các ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn.
Để phục vụ tốt nhất cho các buổi làm việc với EC, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề xuất các tỉnh, thành phố lập báo cáo kết quả chống khai thác IUU của địa phương; kế hoạch, tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC. Ngoài ra, địa phương nhanh chóng rà soát toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứng minh liên quan đến chống khai thác IUU để cung cấp, báo cáo khi EC yêu cầu.
Đỗ Hương