Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ủng hộ giải pháp tăng mức xử phạt của Chính phủ qua việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 theo tinh thần của Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, ông Nguyễn Tiến Nam (tiennam76@...) cho rằng, với tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông gây bức xúc như hiện nay, tăng mức xử phạt sẽ tác động trực tiếp đến ý thức của người dân, và đây là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất.
"Phát triển cơ sở hạ tầng, đưa giao thông vào chương trình giáo dục các cấp học,.... là những giải pháp căn bản, lâu dài. Song giải pháp trước mắt là chúng ta cần kêu gọi mọi người nâng cao ý thức tham gia giao thông. Mà theo tôi, kêu gọi tuyên truyền không thôi thì chưa đủ, mà cần phải kết hợp biện pháp mạnh, tác động trực tiếp vào ý thức tự giác của mỗi người" - ông Nam khẳng định.
Bà Lê Thúy (thuy0711@....) đề xuất mức xử phạt không chỉ nên tăng gấp đôi mà có thể tăng gấp 5, 10 lần. Theo bà Thúy, hiện nay, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định mức xử phạt người đi xe gắn máy khi đi ngược chiều đường một chiều, vượt đèn đỏ chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Bà Thúy đưa ra nâng mức xử phạt với các hành vi này lên 500.000 - 1.000.000 đồng/lần.
Đồng thời, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất với người điều khiển giao thông đã uống rượu bia là 4.000.000 đến 6.000.000 đồng với người điều khiển ô tô và 500.000 đến 1.000.000 đồng với người điều khiển xe máy (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở).
Bà Thúy nghĩ rằng, ngoài nâng cao hơn nữa mức xử phạt với người điều khiển giao thông đã uống rượu bia còn cần các chế tài xử lý nghiêm khắc như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tịch thu xe chứ không đợi đến khi xe gây tai nạn mới áp dụng như quy định tại khoản 9 Điều 8 và khoản 9 Điều 9 Nghị định 34/2010/NĐ-CP hiện nay.
"Nếu mọi người đều có ý thức khi tham gia giao thông thì mức phạt có bao nhiêu cũng không còn là nặng nề nữa; họ sẽ tự giác chấp hành luật hơn. Bởi chỉ những người không tuân thủ luật giao thông bị phạt thích đáng" - bà Thúy bày tỏ.
Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm giao thông- Ảnh minh họa |
Ông Hồ Tuấn Tài (taiho_tuan@....) cho rằng, cần quan tâm đến cả việc xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, ông Tài cũng khẳng định, cần phạt nặng những người lấn chiếm vỉa hè trước.
Ông Tài bày tỏ, khi sửa đổi quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP, cần quy định rõ đối tượng được xử phạt. "Hiện nay, ngoài cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông được quyền xử phạt ra, rất nhiều các đối tượng khác như: cảnh sát khu vực, dân phòng và cảnh sát cơ động 113 đều xử phạt. Như vậy, khó tránh tiêu cực phát sinh và bức xúc cho người dân" - ông Tài nêu.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP sửa đổi cần đưa ra các chế tài xử phạt cũng như các biện pháp và giải pháp trong cách quản lý về giao thông, mức xử phạt, sự chấp hành theo quy định là quan điểm của ông Phạm Thành Trung.
Ông Trung cho rằng, thay vào việc huy động một lực lượng cảnh sát giao thông đông đảo để đảm bảo trật tự an toàn giao thông hằng ngày, Việt Nam nên học cách quản lý vi phạm và xử phạt giao thông tại một số nước. Ông Trung đưa ra giải pháp gắn các thiết bị quan sát có camera ghi hình, ghi km trên xe. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm luật, chẳng hạn như tuyến đường cao tốc chạy tối đa là 100km, nếu chạy quá mức quy định thì camera ghi hình, ghi km báo cho cảnh sát và lái xe cũng được biết. Lái xe sẽ tự đến nộp phạt tại các điểm nộp phạt đã được đặt sẵn các máy ATM nộp tiền tự động. Nếu trong 3 ngày lái xe không đến nộp phạt thì lái xe sẽ bị phạt gấp 200% theo quy định.
"Đối với người dân, điều họ băn khoăn nhất không phải là số tiền phạt cao hay thấp mà là sự công bằng trong cách xử phạt, áp dụng mức phạt, sự nghiêm minh của pháp luật, người được giao nhiệm vụ thực thi áp dụng xử phạt; cách xử phạt như thế nào cho hợp lý, hợp tình và số tiền nộp phạt có được đưa vào kho bạc quản lý hay không. Nếu xử phạt không nghiêm minh thì dễ xảy ra tiêu cực, bức xúc" - ông Trung bày tỏ.
Bên cạnh các đề xuất mức xử phạt, phương pháp xử phạt, bà Nguyễn Phương Ly (lynguyen04@...) lại nhấn mạnh, cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để tất cả mọi người khi ngồi lên xe tham gia giao thông đều phải hiểu rõ Luật Giao thông đường bộ, ngoài ra họ cũng phải ý thức được những hành động họ làm có đúng hay không. Những yếu tố này là căn bản để góp phần kiềm chế tai nạn, xây dựng văn hóa giao thông.
"Việc muốn người dân hiểu được Luật thì phải tuyên truyền hằng ngày trên phương tiện truyền thông đại chúng và ngay trong nhà trường, không phải cấp 2 trở lên, mà cấp 1 chúng ta cũng nên giáo dục cho các cháu hiểu về Luật Giao thông đường bộ. Nền giáo dục của nhà trường, xã hội, và gia đình có ảnh hưởng rất lớn để những đứa trẻ khi trưởng thành biết được nên và không nên làm việc gì. Nó cũng ảnh hưởng đến việc trật tự xã hội" - bà Ly chia sẻ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân