Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng hành cùng đồng bào biên cương phát triển kinh tế
Đồn Biên phòng Ga Ry (bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam) đứng chân trên 2 xã Ga Ry và Ch'ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 27 km, gồm 12 cột mốc trên địa bàn 2 xã.
Trên hành trình 20 năm bảo vệ vùng biên cương, các thế hệ chiến sĩ quân hàm xanh vừa phối hợp tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới với lực lượng nước anh em Lào, tỉnh Sekong, vừa nỗ lực tìm tòi, phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của đồng bào bản địa.
Nơi phên dậu Tổ quốc, với khí hậu lạnh khắc nghiệt và thổ nhưỡng khác biệt, Ga Ry và Ch'ơm là vùng địa bàn thuận lợi để trồng cây đẳng sâm, được ví là nhân sâm của người nghèo, là một loại dược liệu quý có rất nhiều công dụng sức khỏe được người miền xuôi săn đón. Trước kia cây đẳng sâm chưa được đồng bào bản địa tại vùng đất này khám phá hết, chỉ được trồng rải rác, tự phát, hiệu quả kinh tế thấp.
Trước thực tế đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry cùng phối hợp với chính quyền xã đã tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, kết nối đầu ra giúp bà con Ga Ry và Ch'ơm bắt tay vào làm kinh tế từ mô hình "trồng đẳng sâm xen canh bắp lai".
Được hỗ trợ cây giống và 3 ha đất để sản xuất, gia đình chị A Lăng Thị Nhéo (thôn A Choong, xã Ch'ơm) học thêm các kỹ thuật để trồng cây đẳng sâm chất lượng cao. Chị Nhéo cho hay, cây có tuổi đời 3-4 năm trở lên, cho ra củ to hơn thì càng được giá. Có những củ sâm nặng gần 1 kg giá cao hơn 5-6 lần so với củ thường.
Nhờ việc trồng đẳng sâm đúng kỹ thuật, chị đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thêm 3 ha cây đẳng sâm, xen kẽ cây trồng ngắn ngày. Chị cho biết, hiện giá đẳng sâm được thu mua với giá 100.000 đồng/kg đối với củ nhỏ, 300.000-400.000 đồng/kg loại củ to, có hình thức đẹp. Một số khu vực gia đình tập trung trồng dài ngày để ra củ chất lượng, bán được giá cao.
"Từ việc trồng đẳng sâm, gia đình tôi đã làm nhà mới khang trang, sắm phương tiện đi lại, nâng cao đời sống và các con được đi học ở trung tâm huyện", chị A Lăng Thị Nhéo chia sẻ.
Với 10 năm kinh nghiệm trồng đẳng sâm, anh A Lăng Lơ (thôn Achoong, xã Ch'ơm) cho hay, hầu như tất cả mọi hộ dân ở các thôn bản đều có trồng đẳng sâm theo sự hướng dẫn của bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương. Trước đây, diện tích trồng đẳng sâm khoảng 13 ha giờ đã tăng lên hơn 25 ha với số lượng khoảng 11.000 cây. Bà con được hướng dẫn đúng kỹ thuật nên cho ra chất lượng củ đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Từ việc trồng đẳng sâm phát triển kinh tế, trung bình hằng năm, các hộ có thu nhập 60-100 triệu, cuộc sống của bà con đổi thay rất nhiều từ trồng sâm dây. Hầu hết các hộ gia đình đều có nhà ở ổn định, sắm được xe máy đi lại, không lo thiếu đói như trước đây.
Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hải, cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Ch'ơm, cho biết Đồn Biên phòng Ga Ry còn phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế vùng biên như nuôi ngan sinh sản, trồng cây ăn quả… Từ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội thì bà con đã nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.
"Chúng tôi vận động một số hộ đảng viên đi trước làm gương, sau đó nhân rộng ra các hộ khác. Nhờ đó, người dân bắt đầu thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ các nguồn hỗ trợ mà đã biết xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo", anh Hải chia sẻ.
Thay đổi "nếp sống, nếp nghĩ" của người dân vùng cao
Gắn bó với đồng bào theo phương châm "ba bám, bốn cùng", những người lính quân hàm xanh đồn Ga Ry không những hỗ trợ đồng bào làm ăn kinh tế mà còn giúp bà con thay đổi nếp sống nếp nghĩ, xóa đi những phong tục tập quán lạc hậu, tiếp cận tư duy tiến bộ, phát triển hơn.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hải nhớ lại: "Trước đây tại vùng cao này đồng bào còn giữ những hủ tục rất nguy hiểm, sai lệch như mẹ chết thì đứa bé mới sinh ra cũng chôn theo mẹ hoặc quan niệm không được sinh đẻ trong nhà mà sinh ở bụi cây, bụi chuối… Nhận thấy những hủ tục này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai phụ, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền cùng tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi. Bộ đội đến từng nhà giải thích để bà con hiểu và thay đổi nhận thức về các hủ tục".
"Rất may là đến nay đã xóa được quan niệm lạc hậu, sinh đẻ bà con đã biết cần phải đến trạm y tế, xóa hẳn quan niệm "mẹ chết thì con cũng chôn theo", anh Hải cho hay.
Vừa nỗ lực xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, những người lính Ga Ry còn lo cho người dân có nơi ở vững chãi, an toàn trong ngôi nhà mới. Theo chân anh Nguyễn Hải, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới mang dấu ấn biên phòng của anh A Lăng Niết (thôn Dhung).
Trước kia, gia đình A Lăng Niết ở khá xa thôn, căn nhà chỉ đủ che tạm chứ không chịu nổi những lúc mưa to gió lớn. Theo mô hình "nhà ở biên phòng", anh được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng hỗ trợ 50 triệu đồng để cất gian nhà mới, ở ngay trong thôn thuận tiện cho việc đi lại, các con anh đi học cũng dễ dàng hơn. Những ngày anh Niết xây nhà, các chiến sĩ biên phòng đồn Gary cũng thay phiên nhau vận chuyển gỗ, vật liệu xây dựng, hỗ trợ ngày công cho gian nhà mới ấy.
Những ngày cuối năm, khi hơi thở của nàng xuân đã gần kề, những chiến sĩ Đồn biên phòng Ga Ry tất bật chuẩn bị những chương trình chăm lo Tết, cùng bà con đồng bào gói bánh chưng xanh, đem cái Tết rộn ràng cho những bản làng vùng cao giáp biên.
Thiếu tá Phạm Đức Trường, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ga Ry, cho biết chương trình "Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản" do đơn vị phối hợp với chính quyền xã, các đơn vị, mạnh thường quân phối hợp tổ chức đã trao tặng 400 suất quà, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng, 150 cặp bánh chưng, 3.000 bộ quần áo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; 30 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn (2 triệu/suất), 1 suất quà trị giá 3 triệu đồng cho em Zơ Râm Nhây bản A Bưl, Kà Lừm (tỉnh Sekong, Lào) trong chương trình "nâng bước em tới trường" của đơn vị. Ngoài ra đã trao 3 nhà mái ấm tình thương, 1 nhà Đại đoàn kết trị giá 240 triệu đồng; 15 đèn năng lượng trị giá 45 triệu đồng, 3 giếng khoan trị giá 210 triệu đồng cho các trường học.
Già làng Zơ Râm Đơn (xã Ch'ơm) xúc động nói: "Hàng năm cứ đến dịp đầu xuân, cán bộ biên phòng cùng chính quyền địa phương, đoàn thể trên địa bàn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, gói bánh chưng và trao tặng nhu yếu phẩm mang đến cái Tết ấm no, vui tươi an lành đến với bà con, qua đó góp phần gắn kết tình quân dân nơi biên giới".
Biên giới Ga Ry, Ch'ơm những ngày này ngập tràn không khí vui tươi hân hoan của những ngày cận Tết. Trên khuôn mặt của mỗi người dân hiện rõ niềm vui, hạnh phúc vì được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ, giúp họ có cái tết sum vầy, hạnh phúc. Trên những cánh rừng hoa đổ quyên khoa sắc, mùa xuân biên cương dường như đẹp hơn bởi tình quân dân luôn khăng khít, gắn bó và nghĩa tình.
Minh Trang
Bài 2: No ấm nhờ công bộ đội