Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng năm mới bà con kiều bào tham dự Chương trình và tất cả những người con của Tổ quốc đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Tối 7/2, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc chào mừng một mùa xuân mới Mậu Tuất đang về trên Quê hương Việt Nam.
Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng hơn 1.000 đại biểu kiều bào, đại diện cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời thăm hỏi, tình cảm thân thiết, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới đông đảo bà con kiều bào tham dự Chương trình và tất cả những người con của Tổ quốc đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.
Trong không khí đầm ấm, sum vầy “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, Chủ tịch nước điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trong năm 2017, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành toàn diện và vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay…
Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Theo Chủ tịch nước, năm 2017 cũng là năm đặc biệt trong lịch sử ngoại giao nước nhà. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, công tác đối ngoại đã được tiến hành chủ động, tích cực và thu được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu và lợi ích chiến lược của đất nước.
Trước hết, đó là thành công tốt đẹp của Năm APEC Việt Nam 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 với việc chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà, tạo nên dấu ấn lịch sử trong tiến trình liên kết kinh tế sâu rộng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện được tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Chủ đề, các ưu tiên, các sáng kiến mà ta đề xuất, sự điều hành linh hoạt và sáng tạo cũng như nỗ lực vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận đã không chỉ giúp APEC duy trì đà hợp tác và liên kết, mà còn định hướng tầm nhìn chiến lược của Diễn đàn trong những thập niên tới.
Chủ tịch nước khẳng định những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng vào việc củng cố xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như vai trò của hợp tác đa phương trong bối cảnh xuất hiện những thách thức mới gay gắt.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước đối tác lớn, các nước bạn bè truyền thống; đồng thời, cùng các nước ASEAN xây dựng cộng đồng ngày càng phát triển.
Lãnh đạo nước ta và các nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao, trong đó, có hàng chục chuyến thăm cấp cao giữa nước ta và các nước lớn hàng đầu khu vực và thế giới. Đáng chú ý, ngay sau Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, lần đầu tiên trong một ngày, Việt Nam đã đón tiếp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước.
Chủ tịch nước khẳng định, trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp vô cùng quý báu cả về vật chất và tinh thần của kiều bào ta ở nước ngoài.
Dù còn gặp không ít khó khăn, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hướng về quê hương, đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai hội Chương trình Xuân Quê hương. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Một lần nữa, Chủ tịch nước khẳng định “Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời. Tổ quốc luôn chào đón những người con thân yêu trở về đất Mẹ”.
Chủ tịch nước mong muốn: “Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt Nam cũng luôn giữ trong mình dòng máu con Lạc, cháu Hồng; giữ gìn tiếng Việt cũng là truyền cho con cháu sợi dây liên lạc với cội nguồn dân tộc”.
Đồng thời, đồng bào ta ở nước ngoài muôn người như một, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để bà con về nước thăm thân, du lịch, đóng góp xây dựng quê hương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước, tạo điều kiện để bà con có cuộc sống ổn định và hội nhập hơn nữa vào nước sở tại, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết ngày càng có nhiều kiều bào, nhất là lớp trẻ thành đạt trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, kinh tế - văn hóa - xã hội, được chính quyền và người dân nước sở tại đánh giá cao, góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
Nhiều bà con đã về nước tích cực tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo… Vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được nâng cao, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước sở tại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Chương trình Xuân Quê hương 2018. Ảnh: VGP/Hải Mình |
Phát biểu với các kiều bào, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hiện có hơn 2.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động hiệu quả tại 52 tỉnh, thành phố với số vốn 2,92 tỷ USD.
Nhiều hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai sâu rộng, toàn diện và mang lại những chuyển biến tích cực. Đông đảo kiều bào đã hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động thường niên tổ chức trong nước như Xuân Quê hương, thăm Trường Sa, Trại hè thanh thiếu niên cùng nhiều chương trình giao lưu, về nguồn.
Các mạng lưới chuyên gia, trí thức kiều bào, như nhóm Sáng kiến Việt Nam, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, đã đóng góp ý kiến đối với nhiều vấn đề rất thiết thực cho phát triển của Việt Nam, trong đó có yêu cầu thích ứng một cách hiệu quả với những đòi hỏi mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, năm 2017 còn chứng kiến sự góp mặt của 4 chuyên gia trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng không thể kể hết và đong đếm đầy đủ những đóng góp quý báu của kiều bào cho đất nước, nhưng có thể khẳng định rằng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là máu thịt của dân tộc Việt Nam, luôn hướng về Tổ quốc, thực sự là cầu nối cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc, của giống nòi./.
Hải Minh