Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước đó, xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024) cũng đã lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD cho một niên vụ. Như vậy, 2024 là một năm thành công lớn về xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam khi vượt mốc 5 tỷ USD trong cả niên vụ và năm dương lịch và cà phê trở thành mặt hàng nông sản thứ 3 sau rau quả và gạo, có kim ngạch xuất khẩu vượt 5 tỷ USD.
Giá cà phê xuất khẩu tăng cao là nguyên nhân chính giúp cho cà phê Việt Nam đạt cột mốc quan trọng này về xuất khẩu. Bởi trong năm 2024, do sản lượng giảm khiến cho lượng cà phê xuất khẩu giảm khá nhiều. Trong 11 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu là hơn 1,2 triệu tấn, giảm tới 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh ấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 11 tháng qua lại tăng tới hơn 35% nhờ giá tăng cao kỷ lục.
Trong tháng 10, giá bình quân cà phê xuất khẩu đạt 5.720 USD/tấn, là mức cao nhất trong lịch sử và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 11, giá bình quân cà phê xuất khẩu giảm nhẹ so với tháng 10, nhưng vẫn ở mức rất cao là 5.581 USD/tấn. Nhờ vậy, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm nay đạt bình quân 4.052 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, năm 2024, cà phê là sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), năm 2024 là một năm chưa từng có trong lịch sử cà phê Việt Nam cũng như cà phê thế giới, nhất là về giá cà phê. Giá cà phê Việt Nam lên ở mức cao nhất thế giới và giá cà phê Robusta có những thời điểm cao hơn cả giá cà phê Arabica. Còn trên sàn giao dịch London, lần đầu tiên trong lịch sử, giá cà phê Robusta vượt mốc 5.000 USD/tấn.
Bộ NN&PTNT đã tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tái canh và ghép cải tạo gần 110 nghìn ha cà phê.
Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Mục tiêu của Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha.
Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.
Đỗ Hương