Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiệp hội Điều Việt Nam đón nhận cờ thi đua của Chính phủ trong ngày lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), tính đến hết tháng 10/2020, ngành điều đã xuất khẩu được 422.671 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019; tuy nhiên, kim ngạch lại giảm 3%, ở mức 2,63 tỷ USD. Theo đó, giá điều xuất khẩu đã giảm gần 14% trong 10 tháng qua, xuống mức 6.288 USD. So với kế hoạch, ngành điều đã đạt 94% về lượng và trên 82% về kim ngạch xuất khẩu điều nhân.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam đã nhập gần 1,4 triệu tấn điều thô, tương đương kim ngạch 1,54 tỷ USD, giảm lần lượt 3% về lượng và trên 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do giá điều thô nhập khẩu trung bình 10 tháng năm 2020 đã giảm tới gần 11% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.187 USD. So với kế hoạch đã đề ra cho năm 2020, ngành điều đã vượt 6% kế hoạch về lượng điều nhân nhập khẩu và vượt gần 8% về kim ngạch.
Trong 30 năm qua, từ một quốc gia xuất khẩu điều thô với số lượng ít ỏi, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều hàng đầu trên thế giới. Trong 15 năm liền, từ 2006-2020, kể cả trong những thời điểm đầy khó khăn, ngành điều Việt Nam đã luôn giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến.
Đến nay, ngành điều đã xuất khẩu nhân điều đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới. Xuất khẩu điều thu về hơn 31 tỷ USD. Đó là con số đầy ấn tượng của ngành điều trong 30 năm qua kể từ khi thành lập Hiệp hội Điều Việt Nam.
Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế giá trị thấp, khoảng 10 USD/kg, trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng ở các nước khoảng 30 USD/kg. Như vậy Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị ngành điều.
Ngoài ra, ngành chế biến điều nhân xuất khẩu của nước ta chịu sức ép rất lớn từ chính sách hỗ trợ người trồng điều, hạn chế xuất khẩu điều thô của các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Tanzania…
Các thị trường tiêu thụ nhân điều lớn trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang áp dụng các chính sách hạn chế sản lượng điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam.
Những thách thức trên được VINACAS nhận định sẽ tác động đến sự phát triển ngành chế biến điều của Việt Nam tới đây.
Để góp phần cho ngành điều tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức khó khăn, VINACAS đang xúc tiến xây dựng “Chiến lược phát triển ngành Điều Việt Nam trong tình hình mới” để trình với Chính phủ. Trong đó, đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước nhằm phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới và giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. Cùng với đó là phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả, tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến.
Băng Tâm