Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), Việt Nam có gần 500 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong tháng 3 vừa qua đã đưa 9.494 người (trong đó có 3.420 lao động nữ) ra nước ngoài làm việc, gấp 8,66 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 người (trong đó 12.872 nữ), đạt 34,48% kế hoạch năm 2023 và gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2022. Số lao động này tập trung chủ yếu ở Nhật Bản 17.696 người, Đài Loan (Trung Quốc) 18.044 người, còn lại là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hungary, Romania và các thị trường khác.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Gia Liêm cho biết, lao động đi làm việc ở nước ngoài gia tăng trong 3 tháng đầu năm là hoàn toàn bình thường và vẫn hướng đến các thị trường truyền thống lâu năm của Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Phạm Gia Liêm lý giải, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các nước tiếp nhận lao động Việt Nam bắt tay vào phục hồi sản xuất, vì vậy nhu cầu nhân lực gia tăng. Các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chế biến thủy hải sản, các ngành dịch vụ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng bệnh viện, hoặc gia đình, dịch vụ nhà hàng khách sạn, sân bay... đều có nhu cầu lớn.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã có sự chuẩn bị, đào tạo nguồn lao động; một lượng lớn số lao động đã đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài nhưng chưa đi được vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu ở các nước tiếp nhận tăng thì một lượng lớn lao động đã sẵn sàng đi làm việc ngay.
"Các thị trường truyền thống lâu năm, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… vẫn đánh giá cao lao động Việt Nam ở sự nhanh nhẹn, chăm chỉ, có tay nghề vững, nên khi tiếp nhận lao động trở lại họ vẫn dành sự ưu tiên nhất định cho lao động Việt Nam. Vì thiếu nhân lực, các quốc gia và vùng lãnh thổ có chính sách cởi mở hơn, nhưng vẫn đưa ra yêu cầu cho lao động nhập cảnh, đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã có sự chuẩn bị trước nên đáp ứng được những yêu cầu này", ông Phạm Gia Liêm phân tích thêm.
Lao động Việt Nam hiện có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và làm việc trong khoảng 30 ngành, nghề khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài vẫn làm những công việc phổ thông, không cần đến trình độ tay nghề cao.
Ông Phạm Gia Liêm cho biết, trong năm 2023, ước tính 90% số lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tập trung ở thị trường Đông Bắc Á. Đây là những thị trường lâu năm, an toàn, có thu nhập ổn định và ưa chuộng lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH vẫn hướng đến mở rộng các thị trường chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Cụ thể, trong năm 2023, Bộ sẽ đàm phán với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về gia hạn Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao để trình Thủ tướng Chính phủ về hình thức sửa đổi MOU đưa người lao động nông nghiệp Việt Nam đi làm việc tại Australia. Tổng hợp ý kiến các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thoả thuận hợp tác lao động với Malaysia.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH cũng sẽ xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc các đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan; trao đổi với Bộ Ngoại giao thông tin về đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Áo và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo đề nghị xác minh điều kiện hợp đồng cung ứng lao động tại Áo. Đồng thời, Bộ cũng sẽ trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore về tình hình đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Singapore theo hình thức giấy phép lao động các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng phối hợp với các cơ quan để triển khai đàm phán thỏa thuận hợp tác lao động với một số nước châu Âu, hướng đến mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động cho rằng, về lâu dài, chúng ta không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài, mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc, tăng năng lực cạnh tranh… Chính vì vậy, Cục lưu ý các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng nâng cao đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc… cho người lao động.
Thu Cúc