Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngày 8/1, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết, trong năm 2020, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, sau ngành hàng không và khách sạn, du lịch.
Để ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước tiếp nhận lao động, với Cơ quan đại diện ngoại giao, chỉ đạo các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp và tổ chức sự nghiệp theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời, kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong điều kiện dịch bệnh chưa chấm dứt và các nước/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động thường xuyên điều chỉnh các quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài nằm đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Theo số liệu báo cáo, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78.641 lao động (28.786 nữ), đạt 60,5% kế hoạch được giao năm 2020 (130.000 lao động), bằng 112,3% kế hoạch đã điều chỉnh của năm (70.000 lao động) do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Trong năm 2021, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo trình Bộ để trình Chính phủ ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tổ chức đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn tiến phức tạp tại các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, công chức Cục Quản lý lao động ngoài nước trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng Cục đã hoàn thành tốt công tác xây dựng thể chế và các nhiệm vụ được giao, đạt và vượt mức chỉ tiêu (đã điều chỉnh) về số lượng người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài trong năm.
Về trọng tâm công tác trong năm 2021, Thứ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gồm 1 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 02 Thông tư); Tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; từng bước nâng cấp cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đăng tải các thông tin liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục công tác ổn định thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài…
TC