Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xuất siêu ngành nông nghiệp và môi trường đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,3% - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhanh chóng triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình hành động của Bộ tập trung đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên mọi lĩnh vực, từ ổn định tổ chức bộ máy sau sắp xếp đến chủ động phản ứng chính sách trước những biến động trong nước và thế giới.
Trong cải cách thể chế, chính sách, Bộ đã phân cấp 489/630 thủ tục hành chính (TTHC) cho địa phương, tương đương 77,62%. Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh đề xuất cắt giảm là 277/846 (32,74%); thời gian giải quyết TTHC đề xuất cắt giảm 5.735/16.667 ngày (34,41%); chi phí tuân thủ đề xuất cắt giảm 5.086/9.702 tỷ đồng (52,42%).
Theo báo cáo, tốc độ tăng giá trị gia tăng toàn ngành nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 3,84% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,51%; lâm nghiệp tăng 7,42%; thủy sản tăng 4,21%. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong giai đoạn 2021-2025, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,3% và cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế (7,63 tỷ USD).
Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm, Bộ đang cập nhật kịch bản tăng trưởng cho quý III, quý IV và cả 6 tháng cuối năm, trong đó đề xuất các giải pháp đột phá, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2026-2030.
Ngành xác định giải ngân đầu tư công là chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng, hàng quý đến từng chủ đầu tư, bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng.
Đặc biệt, ngành sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị (số 57, 59, 66, 68), tập trung tháo gỡ rào cản về thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nông nghiệp và môi trường. Công tác đào tạo nghề cho nông dân được chú trọng theo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp.
Bộ cũng hướng tới xây dựng chính phủ số, nông nghiệp số, số hóa dữ liệu tài nguyên môi trường, hình thành nền tảng dữ liệu lớn như bản đồ địa lý, đất đai, viễn thám, tạo nền móng cho kinh tế số ngành Nông nghiệp và Môi trường.
Một trong những trọng tâm lớn là tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết mới; xây dựng dự thảo Nghị quyết Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản; xây dựng dự án Luật sửa đổi một số luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường nhằm thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đỗ Hương