Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Khói bốc lên từ một mục tiêu tấn công của Israel ở Dải Gaza - Ảnh: Getty Images
|
Xung đột bùng phát vào tối ngày 10/11, khi máy bay Israel không kích trả đũa một đơn vị pháo binh của Palestine ở phía Nam Dải Gaza, chỉ vài giờ sau khi đơn vị này bắn hàng chục quả đạn pháo sang khu vực phía Nam Israel.
Các nguồn tin Palestine cho biết, ngoài đơn vị pháo binh trên, các máy bay chiến đấu của Israel còn bắn trúng một bệ phóng rocket ở Tây Bắc Dải Gaza và hai đơn vị huấn luyện quân sự ở phía Nam và phía Bắc của khu vực này. Các vụ không kích đã làm ít nhất 2 người Palestine, gồm một thủ lĩnh của phong trào Jahad, thiệt mạng và 22 người bị thương. Đây là một trong những vụ tấn công biên giới đẫm máu nhất giữa hai bên trong nhiều tuần trở lại đây.
Ngày 15/11, hai quả rocket từ Dải Gaza lại rơi sát thủ đô Tel Aviv của Israel. Hai phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas và Jihad đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ bắn rocket này, là nhằm trả đũa việc Israel sát hại thủ lĩnh Ahmed al-Jaabari của Hamas hôm 14/11. Ahmed al-Jaabari là thành viên cấp cao nhất của Hamas bị thiệt mạng dưới đạn pháo của Israel kể từ khi kết thúc chiến dịch tấn công của Israel vào Dải Gaza hồi cuối năm 2008 đầu năm 2009, làm 1.400 người Palestine thiệt mạng.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố, Tel Aviv sẽ tăng cường an ninh và các biện pháp trừng phạt đối với Gaza để ngăn chặn bạo lực tái diễn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố, Israel “sẽ làm bất cứ biện pháp nào cần thiết” để tự vệ trước các cuộc tấn công từ Gaza và mọi lựa chọn đều không bị loại trừ, kể cả chiến dịch tấn công trên bộ. Trong khi đó, giới lãnh đạo Hamas cho biết, hiện phong trào này không cân nhắc đến việc ngừng bắn với Israel.
Tiếp đó, trong hai ngày 18 và 19/11, Israel tiếp tục đẩy mạnh các đợt không kích vào Dải Gaza, làm nhiều người chết và bị thương, trong khi các vụ bắn rocket sang lãnh thổ Israel vẫn tiếp diễn. Các cuộc không kích của Israel trong ngày 18/11 đã làm 31 người Palestine thiệt mạng và là ngày thương vong nhiều nhất kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch không kích.
Sáng 19/11, một đợt không kích của Israel đã san phẳng sở chỉ huy cảnh sát Abbas, cơ sở cảnh sát lớn thứ hai tại thành phố Gaza. Giới chức trách cho biết, 77 người Palestine đã chết và 700 người bị thương trong các đợt không kích của Israel.
Trong một diễn biến gây quan ngại xung đột leo thang, Israel tiếp tục tăng cường triển khai binh sĩ và xe bọc thép ở biên giới với Dải Gaza, đồng thời huy động 75.000 lính dự bị, khiến dư luận cho rằng Tel Aviv có thể quyết định tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào vùng lãnh thổ này của Palestine.
Trước tình hình trên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hối thúc Hamas và Israel tránh làm leo thang các cuộc giao tranh trên Dải Gaza. Ông Martin Nesirky, người phát ngôn của ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Tổng Thư ký LHQ lên án mạnh mẽ các vụ bắn rocket trên Dải Gaza…; đồng thời kêu gọi các bên cần hết sức kiềm chế, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thảo luận về tình hình căng thẳng ở biên giới Dải Gaza. Tổng thống Nga kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và "làm mọi cách có thể để bình thường hóa tình hình".
Trong khi đó, dư luận quốc tế, kể cả đồng minh thân cận của Tel Aviv là chính quyền Mỹ, cũng không ủng hộ việc Nhà nước Do Thái tăng cường các hoạt động quân sự đối với Gaza. Tổng thống Mỹ B. Obama cho rằng, không nên giải quyết cuộc khủng hoảng tại Gaza bằng việc leo thang các hành động quân sự. Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron đã điện đàm với người đồng cấp Israel B. Netanyahu và bày tỏ "rất lo ngại" trước tình trạng bạo lực ở Gaza.
Trong khi đó, chính quyền Palestine đã yêu cầu Liên đoàn Arập (AL) tiến hành họp khẩn cấp để thảo luận về các hành động "xâm lược" của Israel ở Gaza. Trước đó, ngày 17/11, các Ngoại trưởng AL đã lên án các cuộc tấn công của Israel vào Gaza, đồng thời bày tỏ "bất bình" trước việc Hội đồng Bảo an LHQ không thể giúp đem lại một lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Giới phân tích đã bày tỏ lo ngại rằng, để phục vụ cho những mục tiêu khác nhau, bất chấp nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, một số quốc gia ở khu vực Trung Đông đôi khi vẫn lựa chọn tiến hành những vụ không kích, nã pháo hay tấn công trên bộ lẫn nhau. Tuy nhiên, đây chưa bao giờ là một giải pháp hữu hiệu để đạt được mục đích mà trái lại, nó đang có nguy cơ đẩy khu vực này đến một cuộc chiến toàn diện hao người tốn của. Căng thẳng hiện tại ở Dải Gaza cộng với cuộc khủng hoảng tại Syria, sẽ có khả năng làm bùng phát cuộc chiến ở cả khu vực Trung Đông./.
Mai Linh