Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân thành phố Yên Bái.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh và ngày 25/9/1958 là "Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi", 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, đạt nhiều thành tựu to lớn, đưa Yên Bái phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước với bộn bề khó khăn, Yên Bái vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ. Bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao đáng kể.
Trong tiến trình đó, thành phố Yên Bái đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ một đô thị miền núi nhỏ bé, lạc hậu, trở thành đô thị hai bên sông, đa chức năng, có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Không gian kiến trúc cảnh quan giàu bản sắc. Môi trường xanh, sạch, đẹp. Người dân đoàn kết, thân thiện, nhân ái và hạnh phúc.
Phát triển nhanh, bền vững từ tiềm năng, lợi thế riêng có
Theo Phó Thủ tướng, Yên Bái có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển riêng có khi nằm ở trung tâm khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cửa ngõ vào vùng Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy của tỉnh ngày càng hoàn thiện.
Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Tài nguyên nước dồi dào với hệ thống sông lớn chảy qua. Tài nguyên rừng phong phú; nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ, có hồ Thác Bà -một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam; nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên… Nhân dân tỉnh Yên Bái có truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường; thân thiện, hiền hòa, cần cù, yêu lao động, khát khao vươn lên...
"Yên Bái có thể tạo ra cơ hội nổi trội, động lực phát triển nhanh, bền vững nếu được quy hoạch đúng hướng, với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn", Phó Thủ tướng nói.
Với triết lý và khát vọng phát triển "Xanh - Hài hòa - Bản sắc và Hạnh phúc", quy hoạch tỉnh Yên là một bản "tổng phổ" của các quy hoạch, đóng vai trò định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh vùng miền núi Trung du phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng. Từ đó, mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho Yên Bái.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng một bản quy hoạch dù được nghiên cứu công phu và khả thi đến mấy cũng không trở thành hiện thực nếu việc tổ chức thực thi và giám sát thực thi không hiệu quả.
"Nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, sáng tạo đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của Nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát việc thực hiện bản quy hoạch này".
Tạo hệ sinh thái kinh tế kết nối, nguồn lực từ quy hoạch
Trao đổi một số suy nghĩ khi Yên Bái triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề cập đến nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đơn cử, với tài nguyên rừng phong phú, Yên Bái có lợi thế rất lớn để phát triển ngành lâm nghiệp sinh thái theo hướng sử dụng đa mục đích như kinh tế các bon, sản xuất dưới tán rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính...; kết hợp với nông nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá...
Tỉnh cần quan tâm quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống logistic hiện đại như là "một chìa khóa" để hạ tầng giao thông, nguồn lực đất đai thực sự là động lực phát triển các khu công nghiệp xanh, công nghệ cao, thực hiện chủ trương chuyển các khu công nghiệp sử dụng đất lúa ở các tỉnh đồng bằng lên vùng trung du, miền núi; đồng thời phát huy lợi thế là điểm trung chuyển hàng hoá vào vùng Tây Bắc, cũng như trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cần trương triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ (TOD) tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, tạo nguồn lực từ quy hoạch.
Và xa hơn cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường liên kết vùng, liên vùng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Yên Bái cần công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch.
Lựa chọn đầu tư phát triển các công trình có tính chất điểm nhấn, dự án có ý nghĩa lan tỏa để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội.
Các nguồn lực được tạo ra từ quy hoạch như giá trị đất đai, tài nguyên thiên nhiên,…cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội và chia sẻ hài hòa giữa các địa phương và nhà nước, người dân, doanh nghiệp mang lại lợi để mang lại lợi ích tổng thể cho phát triển.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên quan trọng nhất cho Yên Bái phát triển là con người và động lực phát triển mạnh mẽ nhất đó là nhân tài. Nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh.
"Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, Yên Bái cần chú trọng bảo vệ và phát triển rừng; rà soát quy hoạch lại các điểm dân cư, các công trình hạ tầng nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét", Phó Thủ tướng lưu ý.
Yên Bái cũng cần tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển Thành phố Yên Bái nhanh, bền vững trên cơ sở định hướng của Quy hoạch tỉnh, sớm đạt tiêu chí đô thị loại 1 và là một trong các đô thị động lực của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, đô thị, các công trình công cộng theo hướng xanh và thông minh. Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Phó Thủ tướng tin tưởng với những lợi thế riêng có, cùng tinh thần vượt khó, khát khao vươn lên của nhân dân; đội ngũ lãnh đạo năng động, đoàn kết, nhất trí, có quyết tâm và tầm nhìn, đang không ngừng nỗ lực để Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", trở thành tỉnh khá vào năm 2025, nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
* Trước đó, chiều 24/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự lễ khánh thành cầu Giới Phiên, cây cầu thứ 5 bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 -25/9/2023).
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021, được thiết kế vĩnh cửu, dạng cầu vòm thép hiện đại, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 10 nhịp với quy mô bề rộng toàn cầu là 20,5m, chiều dài toàn cầu gần 520 m với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.
Công trình đưa vào sử dụng sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, là động lực thúc đẩy thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thành phố Yên Bái mới, các khu đô thị, khu trung tâm dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp tại các xã thuộc hữu ngạn sông Hồng.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa, nghe báo cáo về Đồ án quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040. Đây là khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc bộ với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu; có sản phẩm du lịch chủ đạo và hình thành thương hiệu Khu du lịch; là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng… Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà định hướng đến năm 2030 đón khoảng 1 triệu lượt du khách và đến năm 2040 đón khoảng 2,5 triệu lượt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý tỉnh Yên Bái cần tôn trọng sự phát triển của tự nhiên, tập trung phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc để phục vụ phát triển du lịch, mang lại thu nhập và cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Đồng thời, khai thác tốt diện tích mặt nước để phát triển du lịch gắn với tổ chức các môn thi đấu thể thao trên mặt nước mang tầm khu vực và quốc tế; hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái.
Minh Khôi