Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại huyện Trấn Yên, từ đêm ngày 6/9 đến ngày 9/9/2024, trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có mưa to đến rất to kèm theo giông lốc, mưa kéo dài gây lũ trên các sông, suối. Mưa lũ làm 890 nhà bị thiệt hại; trên 1.100 ha cây trồng bị ngập, đổ; mưa lũ cũng đã làm thiệt hại một số công trình thủy lợi, đê điều, đường giao thông… Huyện Trấn Yên đã huy động 3.000 người tham gia khắc phục hậu quả.
Đến 14 giờ ngày 9/9/2024, huyện Trấn Yên đã đã tổ chức di dời khẩn cấp người và tài sản cho 1.077 nhà trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, ngập úng, lũ quét đến nơi an toàn, trong đó: 54 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng so sạt lở đất; 1.023 hộ có nguy cơ bị ngập do nước sông dâng.
Hiện các xã đã bố trí chỗ ở tạm thời cho 1.077 hộ gia đình sống tại khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai. Đối với các hộ gia đình thiệt hại về nhà ở, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã đã khẩn trương kiểm tra và huy động các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại.
Hiện nay, huyện Trấn Yên chỉ đạo các xã dọc theo ven sông Hồng: thị trấn Cổ Phúc, Báo Đáp, Đào Thịnh, Nga Quán, Việt Thành, Quy Mông, Y Can... thông báo và tổ chức tổ chức di dời, sơ tán 1.023 hộ dân trong vùng nguy cơ ngập úng do lũ suối và lũ sông Hồng dâng cao đến địa điểm an toàn.
Làm việc với với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Trấn Yên chiều 9/9, đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mực nước sông Hồng tiếp tục lên cao, khả năng ngập lụt cao nên huyện Trấn Yên cần có các phương án xử lý. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân nhất là người già và trẻ em, huyện Trấn Yên cần tiếp tục di dời người dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; liên tục cập nhật các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để có phương án xử lý.
Tại huyện Lục Yên, mưa lũ đã làm tuyến đường quốc lộ 70 và tuyến đường từ xã Khánh Hòa - Tân Lĩnh vào huyện Lục Yên có hàng chục điểm sạt lở, ngập úng có nơi ngập sâu đến 3 - 4 mét; giao thông bị chia cắt không thể đi lại được. Các tuyến đường đi các xã có gần 100 điểm hầu hết cũng bị sạt lở, ngập úng bị chia cắt, cô lập không thể tiếp cận được.
Hiện các địa phương trên địa bàn huyện Lục Yên đang khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả, di dời dân trong vùng nguy hiểm và ngập úng đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 17h00 ngày 9/9, hoàn lưu bão số 3 đã làm 3 người chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn 1 người là cháu Sùng Thị Trang, 10 tuổi, thôn suối Lót, xã Suối Giàng; huyện Lục Yên 2 người chết là ông Nguyễn Văn Kim, sinh năm 1955 trú tại thôn 10, xã Động Quan và cháu Năng Văn An, 7 tuổi trú tại thôn Nà Nọi, xã Liễu Đô), 4 người bị thương, trong đó: 2 người xã Động Quan, 2 người xã Liễu Đô, huyện Lục Yên.
Số thiệt hại về nhà ở tiếp tục tăng lên với 6.074 nhà. (trong đó: Trạm Tấu 348; Văn Chấn 242; Yên Bình 64 ; Lục Yên 353; Mù Cang Chải 46; Văn Yên 156;Trấn Yên 930; thành phố Yên Bái 3786; thị xã Nghĩa Lộ 195).
Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là 2.724,71 ha, trong đó lúa 2.011,5 ha;ngô, rau màu 307,21 ha; cây công nghiệp (cây dâu) 376,6 ha; cây lâm nghiệp 29,4 ha. Gần 300 con gia cầm, gia súc bị chết. 26,7 ha thủy sản bị vỡ bờ.
Thiệt hại về cơ sở hạ tầng cũng tăng lên như quốc lộ 32 sạt lở taluy dương tăng lên 93 vị trí; quốc lộ 37 và quốc lộ 2D sạt lở ta luy, nước dâng gây tắc đường kéo dài.
Hiện nay, để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, ngày 9/9 Sở GTVT Yên Bái đã thông báo cấm các phương tiện qua cầu Yên Bái tại Km 280+500 trên quốc lộ 37. Nguyên nhân là do mực nước sông Hồng đã dâng lên gần mép dưới giàn thép cầu, trên sông có nhiều rác, cây trôi. Thời gian cấm từ nay đến khi có thông báo mới.
Các phương tiện khi di chuyển vào các huyện, thị phía tây của tỉnh và các xã phường phía tây của thành phố đi qua cầu Tuần Quán, Bách Lẫm, Giới Phiên hoặc cầu Văn Phú và ngược lại.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà bắt đầu mở tăng thêm cửa xả lũ qua đập tràn công trình thủy điện Thác Bà vào hồi 6 giờ 00 phút ngày 9/9/2024. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du 2260 m³/s. Mực nước hạ lưu sẽ dâng cao thêm so với hiện tại từ 3 - 5 m và đạt cao độ từ 27.0 - 30.0m.
Phạm vi có nguy cơ ngập bao gồm các vùng trũng, thấp, các khe suối của các xã, thị trấn: Thác Bà, Hán Đà, Đại Minh, Vĩnh Kiên, Yên Bình thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; các xã: Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Nhữ Khê thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; các xã: Hùng Xuyên, Vân Du, Phú Lâm và thị trấn Đoan Hùng, thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Trước tình hình khẩn cấp trên, qua kiểm tra nắm tình hình thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước yêu cầu Công ty thủy điện Thác Bà cần thực nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương về phương án xả lũ đảm bảo an toàn hồ đập và an toàn tài sản, tính mạng cho người dân tại thị trấn Thác Bà và các xã của huyện Yên Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cũng yêu cầu huyện Yên Bình thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ rõ ràng, khoanh vùng những hộ bị ảnh hưởng phải đi dời; bố trí lực lượng tại chỗ huy động hỗ trợ người dân; phối hợp với lực lượng Quân khu 2 sẽ hỗ trợ giúp dân di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn tính mạng tài sản và cuộc sống cho người dân.
Đối với Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà, đồng chí đề nghị cần tiếp tục theo dõi thời tiết và đóng cửa xả của nhà máy ngay khi có thể.
Vĩnh Hoàng